Tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam cả năm 2022 và 2023
Triển vọng kinh tế lạc quan của Việt Nam
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ tạo điều kiện cho sản xuất tăng mạnh trong năm 2022. Trong ảnh là công nhân Công ty Vienergy Ninh Bình. Ảnh: Hải Nguyễn

Nửa đầu năm 2022 chứng kiến ​​sự phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam khi GDP tăng 7,72% nhờ hoạt động xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng ổn định. Ngoài ra, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam cũng vẫn nằm trong tầm kiểm soát do áp lực lạm phát trong nước hầu như chỉ giới hạn ở giá nhiên liệu và các dịch vụ liên quan trực tiếp như vận tải.

Giá tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương trong năm 2022. Điều này một phần là do Việt Nam phục hồi chậm trong năm 2021, qua đó kiểm soát lạm phát trong khi duy trì giá lương thực và giá năng lượng thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Theo IMF, những thành công này có thể là do Việt Nam đã áp dụng linh hoạt chiến lược sống chung với COVID-19 và bao phủ tiêm chủng trên toàn quốc. Các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cùng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của chính phủ cũng đã tạo điều kiện cho sản lượng sản xuất tăng mạnh, hoạt động bán lẻ và du lịch phục hồi.

Giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu cũng chỉ có tác động nhỏ đến giá tiêu dùng trong nước, phần lớn nhờ vào nguồn cung nội địa dồi dào của đất nước, giá thịt lợn giảm kể từ mức cao nhất vào năm ngoái, trong khi gạo vẫn rẻ hơn so với các loại ngũ cốc khác như lúa mì. Hơn nữa, mức tăng giá đối với các dịch vụ, chẳng hạn như y tế và giáo dục, cũng rất nhẹ.

Với triển vọng lạc quan như vậy, IMF gần đây đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thêm 1 điểm phần trăm so với 3 tháng trước đó, lên 7% trong năm nay. Đáng chú ý, đối với IMF, đây là lần điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất trong số các nước lớn khác ở Châu Á.

Mặc dù IMF đã hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam 0,5% xuống còn 6,7%, tuy nhiên, đó vẫn là một triển vọng lạc quan so với triển vọng khá mờ nhạt ở những nơi khác và sẽ là tốc độ nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của Châu Á.

Đối với Châu Á nói chung, ước tính tăng trưởng của IMF đã được hạ xuống 4,2% và 4,6% cho năm nay và năm tới trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF.

Mặc dù lạm phát của Việt Nam tương đối thấp, nhưng tỉ lệ này có thể tăng lên khi nhiều hoạt động kinh tế trong nước phục hồi trở lại. Theo IMF, chi phí vận chuyển và các loại hàng hóa như phân bón và thức ăn chăn nuôi cũng có thể làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ trong nước, theo đó tất cả đều gây thêm áp lực lạm phát lên nền kinh tế.

Suy thoái kinh tế trên toàn cầu, bao gồm cả công xưởng của thế giới là Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến lớn, cũng có thể là một trở ngại khác đối với sự phục hồi của Việt Nam. Đặc biệt, Triển vọng kinh tế thế giới của IMF đã hạ ước tính xuống 3,2% trong năm nay và 2,9% trong năm tới do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina. Sự chậm lại như vậy có nghĩa là nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn, đặc biệt là từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể chịu tác động của việc tăng huy động vốn và dòng vốn chảy ra nhiều hơn do các điều kiện tài chính đang thắt chặt khi Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác tăng lãi suất để đối phó với lạm phát.

Cuối cùng, những trở ngại từ tình trạng thiếu nguyên liệu thô và hạn chế tiếp cận với hàng hóa trung gian cần thiết cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng hơn nữa có thể gây ra sự không chắc chắn lớn hơn về thương mại toàn cầu và thị trường tài chính.

IMF đề xuất Việt Nam thực hiện một số biện pháp chính để đối phó với những cơn gió ngược như vậy. Chính sách tài khóa cần giữ vai trò dẫn dắt phục hồi kinh tế đất nước với những điều chỉnh kịp thời, linh hoạt. Ngân hàng trung ương cần đặc biệt chú trọng đến rủi ro lạm phát gia tăng. Nợ xấu hệ thống ngân hàng và rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản cũng cần được giám sát chặt chẽ.

Chính phủ cần tiếp tục cải cách kinh tế hơn nữa về thể chế, quy định, kết nối kỹ thuật số, lao động, mạng lưới an sinh xã hội cũng như chương trình nghị sự về môi trường của quốc gia để giải phóng tiềm năng tăng trưởng đáng kể của Việt Nam.

Theo Khánh Minh/ladong.vn

https://laodong.vn/the-gioi/trien-vong-kinh-te-lac-quan-cua-viet-nam-1129077.ldo