Hỗ trợ doanh nghiệp điện tử vượt qua các thách thức "Xanh hóa" khu chế xuất, khu công nghiệp
Triển vọng tăng trưởng công nghiệp điện tử ở Việt Nam và APAC
Công nhân doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại khu công nghiệp Mê Linh, Hà Nội, sản xuất linh kiện điện tử. Ảnh: Hải Nguyễn

Xuất khẩu hàng điện tử của APAC vẫn mạnh trong nửa đầu năm 2022

Theo khảo sát mới nhất của S&P Global Electronics PMI, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu tăng trưởng tích cực kể từ giữa năm 2020, khi đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ đối với thiết bị điện tử tiêu dùng để làm việc từ xa và giải trí tại nhà. Mặc dù tốc độ trên toàn cầu đã chậm lại trong nửa đầu năm 2022, nhưng xuất khẩu hàng điện tử tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ ở một số trung tâm sản xuất điện tử lớn của APAC trong nửa đầu năm 2022.

Xuất khẩu hàng hóa công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Hàn Quốc tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước lên 123 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm 2022, chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc tăng 21%, đạt 70 tỉ USD. Tại Nhật Bản, xuất khẩu chất bán dẫn tăng 18,7% trong sáu tháng đầu năm 2022.

Xuất khẩu các sản phẩm điện tử của Đài Loan (Trung Quốc) tăng 15% trong tháng 6. Các đơn đặt hàng mới sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông trong tháng 6 cho thấy sự tăng trưởng đáng kể, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái lên 17 tỉ USD.

Các nền kinh tế Đông Nam Á cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng điện tử. Tại Malaysia, xuất khẩu các sản phẩm điện và điện tử tăng 32% trong sáu tháng đầu năm 2022, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Mỹ. Việt Nam cũng ghi nhận xuất khẩu điện tử tăng cao, với xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng 16,4% trong sáu tháng đầu năm 2022, đạt tổng trị giá 29,2 tỉ USD.

Ấn Độ cũng đã trở thành nước xuất khẩu đáng kể các sản phẩm điện tử, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử trong năm tài chính trước đó 2021-22 tăng 42% lên 12,4 tỉ USD. Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ đã đặt ra lộ trình 5 năm để thúc đẩy xuất khẩu hàng điện tử hàng năm của Ấn Độ lên 120 tỉ USD vào năm 2026, với thị trường nội địa cho các sản phẩm điện tử được đặt mục tiêu đạt 180 tỉ USD vào năm 2026.

Triển vọng tăng trưởng

Triển vọng ngắn hạn cho ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam và APAC là tiếp tục mở rộng, theo S&P. Các đơn hàng dài hạn đối với một số sản phẩm điện tử chủ chốt, đặc biệt là chất bán dẫn, sẽ là một yếu tố quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển vượt bậc của ngành điện tử trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đang chậm lại những tháng gần đây ở các thị trường chủ chốt là Mỹ và EU được cho là sẽ tác động trở lại đối với các đơn đặt hàng điện tử mới trong nửa cuối năm 2022.

Tác động của đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số do sự chuyển dịch toàn cầu sang làm việc từ xa, từ đó thúc đẩy nhu cầu về các thiết bị điện tử như máy tính, máy in và điện thoại di động. Việc nới lỏng các biện pháp đóng cửa ở nhiều quốc gia cũng đã kích thích sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng, giúp thúc đẩy nhu cầu đối với một loạt các thiết bị điện tử tiêu dùng.

Chi tiêu cho hàng điện tử tiêu dùng cũng được thúc đẩy nhờ các biện pháp kích thích tài chính ở nhiều nước OECD, vốn đã cung cấp các khoản cứu trợ đại dịch đáng kể để hỗ trợ các hộ gia đình ở nhiều nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản và Australia. Trong khi đó, sự phục hồi của nhu cầu ôtô toàn cầu trong năm 2021 sau đợt sụt giảm hồi nửa đầu năm 2020 đã thúc đẩy nhu cầu về thiết bị điện tử ôtô, mặc dù góp phần làm gia tăng các vấn đề từ phía cung liên quan đến tình trạng thiếu chất bán dẫn.

Triển vọng kinh tế trung hạn cũng hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử, với dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới bền vững trong giai đoạn 2022-2024. Với sự thiếu hụt chất bán dẫn làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất vào năm 2021, tầm quan trọng của việc đảm bảo năng lực sản xuất linh kiện điện tử quan trọng trong nước đã trở thành ưu tiên quốc gia của các nước công nghiệp lớn, bao gồm Mỹ, EU và Trung Quốc. Đối với Mỹ và EU, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung chất bán dẫn của Châu Á đã trở thành một ưu tiên chiến lược quan trọng trong thập kỷ tới. Ấn Độ cũng đang cố gắng thành lập một khu vực sản xuất chất bán dẫn thương mại, để giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào chất bán dẫn nhập khẩu.

Một rủi ro lớn mà nhiều chính phủ quan tâm là tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng sản xuất đối với nguồn cung chất bán dẫn từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), vốn là những trung tâm sản xuất điện tử lớn nhưng cũng là điểm nóng địa chính trị tiềm năng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Căng thẳng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông đã leo thang kể từ năm 2021, làm nổi bật những lỗ hổng này.

Về Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ mới đây đã đưa ra nhận định: Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á. Các chính sách của Việt Nam đang định vị để đưa quốc gia này trở thành một trung tâm khu vực về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn.

Theo quy hoạch công nghiệp điện tử của Việt Nam, trong giai đoạn năm 2020 - 2025 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế... Một trong những mục tiêu đặt ra là phải đưa sản xuất công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất và chế biến đạt ít nhất 45% vào năm 2030...

Theo Song Minh/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/trien-vong-tang-truong-cong-nghiep-dien-tu-o-viet-nam-va-apac-1078653.ldo