TRỰC TUYẾN: Chuyên đề "Những điểm mới về tiền lương, BHXH và An toàn, vệ sinh lao động"
Đây là hoạt động truyền thông chính sách thường niên của Báo Lao động Thủ đô và cũng là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam; kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; đồng thời nhằm giúp cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động hiểu rõ hơn về những nội dung liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Đại biểu tham dự Chương trình |
Tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến và trả lời câu hỏi của đoàn viên, người lao động và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động, gồm: Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn; ông Vũ Hồng Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển năng lực tổ chức.
Đoàn viên, người lao động dự buổi Đối thoại, giao lưu. |
Dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Trần Việt Hà - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Cầu Giấy; Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Quận ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy; Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; Lê Hà Thu - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ quận Cầu Giấy; Phạm Thị Lam Anh - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy.
Đặc biệt, dự buổi đối thoại, giao lưu trực có gần 300 cán bộ công đoàn và đoàn viên, công nhân viên chức lao động quận Cầu Giấy.
8h30: Khai mạc chương trình
Phát biểu khai mạc Đối thoại - Giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động”.
Đây là hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô và Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc chương trình. |
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô thông tin, chương trình Đối thoại - Giao lưu trực tuyến nhằm kịp thời trang bị cho người lao động kiến thức pháp luật, nhất là những chế độ, chính sách pháp luật mới được điều chỉnh, bổ sung liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội, giúp người lao động nắm rõ và có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi cần thiết đồng thời nhằm trang bị các kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh lao động để nâng cao nhận thức cho người lao động trong vấn đề này.
“Tôi mong muốn, các đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động nói riêng và bạn đọc nói chung của Báo Lao động Thủ đô sẽ mạnh dạn đặt những câu hỏi trực tiếp hoặc trực tuyến cho các chuyên gia của chúng tôi để hiểu biết thêm về những kiến thức pháp luật liên quan đến quyền lợi của mình.
Ngoài việc đặt câu hỏi với chuyên gia của chúng tôi, các bạn cũng có thể theo dõi toàn bộ nội dung chương trình này được tường thuật trực tuyến trên Báo điện tử Lao động Thủ đô tại địa chỉ laodongthudo.vn cùng các chuyên trang của Lao động Thủ đô, đồng thời lan tỏa cho đồng nghiệp, người thân cùng theo dõi” - ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.
8h35: Phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy đánh giá, sự kiện đối thoại trực tuyến hôm nay là một hình thức tuyên truyền có tính hiệu quả cao do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Cầu Giấy tổ chức.
Trong bối cảnh tình hình mới, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động ngày càng có vai trò quan trọng và được LĐLĐ thành phố Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, được triển khai thường xuyên, liên tục.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại Chương trình. |
Thông qua công tác này góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Đối với LĐLĐ quận Cầu Giấy, là một trong những đơn vị đã có nhiều hoạt động tích cực về truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cơ quan tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng trong việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động như cải thiện điều kiện làm việc; giảm thiểu, ngăn ngừa các nguy cơ, rủi ro về mất an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thực hiện đảm bảo các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tại nạn lao động cho người lao động.
Người lao động theo dõi chương trình. |
Để chương trình diễn ra thành công, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị anh chị em công nhân lao động hãy mạnh dạn, thẳng thắn nêu những câu hỏi, vướng mắc của bản thân, cũng như đồng nghiệp, tổ, đội của mình, để được các chuyên gia giải đáp. Từ đó, có thêm kiến thức, thông tin về các chế độ, chính sách và những kiến thức liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, sức khỏe nghề nghiệp để có thể chủ động bảo vệ được quyền lợi của mình.
“Tôi cũng đề nghị Báo Lao động Thủ đô, trong thời gian tới tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thông, có các giải pháp sáng tạo, mô hình hiệu quả để triển khai công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho hay.
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia của chương trình. |
8h55: Chuyên gia trả lời các câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, người lao động
Các chuyên gia buổi Đối thoại- giao lưu. |
Chị Nguyễn Thị Hiền, Trường Tiểu học Nghĩa Đô hỏi: “Tôi xin hỏi người lao động nữ sau khi sinh con, hết thời gian nghỉ thai sản không đi làm lại được và xin nghỉ làm thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?”.
Chị Nguyễn Thị Hiền, Trường Tiểu học Nghĩa Đô đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau khi nghỉ việc mà thất nghiệp thì có thể được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, thoả thuận được với người sử dụng lao động.
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa bổ sung: Với trường hợp không thoả thuận được với người sử dụng lao động, thì người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa |
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau: Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng; Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Chị Đào Thị Dân, Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh phát triển nhà và Thương mại Hà Nội hỏi: Xin chuyên gia giải đáp, với doanh nghiệp có lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi đóng BHXH thì họ có quyền lợi gì khác với lao động người Việt Nam không? Chế độ thanh toán có gì khác hơn với lao động Việt Nam không?
Chị Đào Thị Dân, Công ty TNHH đầu tư kinh doanh phát triển nhà và thương mại Hà Nội nêu câu hỏi về quyền lợi của NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trên lĩnh vực BHXH, người lao động nước ngoài ký hợp đồng và làm việc tại Việt Nam thì họ sẽ đóng chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và không tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu |
Do đó, họ không được hưởng chế độ thất nghiệp mà thay vào đó, người sử dụng lao động sẽ trả cho họ chế độ thôi việc. Các chế độ khác sẽ được hưởng bình thường như lao động Việt Nam.
Nếu thanh toán chế độ BHXH 1 lần, lao động nước ngoài không cần chờ sau 1 năm như lao động Việt Nam. Những trường hợp này, trước khi hết HĐLĐ 5 - 10 ngày, họ có quyền gửi đơn cho cơ quan BHXH để giải quyết chế độ BHXH 1 lần để về nước. Và những trường hợp này được ưu tiên giải quyết sớm.
Chị Trần Thị Thanh Minh, Công ty TNHH Hoàn Mỹ hỏi: Trong quá trình làm việc nếu phát hiện ra nguy cơ, yếu tố nguy hiểm, mất an toàn lao động thì phải xử lý như thế nào?
Chị Trần Thị Thanh Minh, Công ty TNHH Hoàn Mỹ đặt câu hỏi. |
Chuyên gia Vũ Hồng Ngọc: Khi phát hiện các yếu tố mất an toàn vệ sinh lao động, có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình, người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động. Khi dừng lại công việc, người lao động cần thông báo cho người có trách nhiệm biết. Tuy nhiên, việc dừng lại công việc cũng sẽ phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của công ty, dây chuyền.
Chuyên gia Vũ Hồng Ngọc |
Chị Nguyễn Thị Hạnh, Trường mầm non Yên Hòa hỏi: Từ 1/7/2024, BHXH, BHYT của người lao động thay đổi như thế nào? Bao giờ giáo viên mầm non được công nhận là nghề đặc thù nặng nhọc, độc hại? Nếu được công nhận là công việc nặng nhọc, độc hại thì độ tuổi về hưu có được thay đổi như yêu cầu là 55 tuổi hay không? Nếu được công nhận là công việc nặng nhọc, mức lương sẽ được hưởng thế nào?
Chị Nguyễn Thị Hạnh, Trường Mầm non Yên Hòa nêu câu hỏi về mức lương đóng BHXH của giáo viên mầm non khi áp dụng bảng lương mới. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Tiền lương của người lao động hiện nay đang căn cứ trên HĐLĐ để đóng BHYT, BHXH. Do vậy tỷ lệ phần trăm đóng BHXH và BHYT vẫn giữ nguyên, còn mức lương sẽ căn cứ trên HĐLĐ để thực hiện đóng.
Nếu đến tháng 7/2024, thực hiện cải cách tiền lương, công chức, viên chức, nhà nước không còn lương hệ số mà chuyển sang lương theo mức tiền nhất định thì sẽ thực hiện đóng theo HĐLĐ. Tùy thuộc theo bảng lương nhà nước thực hiện như nào, cơ quan BHXH sẽ thu theo như vậy, đơn vị báo thay đổi theo mẫu của cơ quan BHXH (mẫu D02).
Hiện nay ngành Giáo dục mới đang trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công nhận nghề giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư về ngành nghề nặng nhọc độc hại thì ngành Giáo dục vẫn chưa công nhận giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trả lời câu hỏi của đoàn viên, người lao động. |
Nghề nặng nhọc độc hại có đặc điểm tùy thuộc đơn vị chủ quản công nhận trong cả hệ thống ngành nghề đó có nặng nhọc, độc hại hay không, sẽ nghiên cứu, đo đạc tất cả các yếu tố môi trường để rồi công nhận, sau đó ngành làm thủ tục đề nghị sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Khi nào Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản công nhận thì khi đó mới được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại.
Khi được công nhận chức danh ngành nghề nặng nhọc độc hại thì được về hưu trước 5 tuổi không bị trừ tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu.
Lưu ý, đối với các đơn vị có môi trường nặng nhọc độc hại cần ghi rõ chức danh nghề trong HĐLĐ, không được thay đổi để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Về tiền lương, khi được công nhận nghề nặng nhọc độc hại, nếu là công chức, viên chức thì theo thang bảng lương nhà nước quy định, đối với các loại HĐLĐ thì do thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Quang cảnh buổi Đối thoại - giao lưu |
Anh Cao Văn Dũng, Công ty Cổ phần cơ điện thiết bị công nghiệp Hà Đô hỏi: “Người lao động A đủ tuổi lao động nhưng mới đóng BHXH được 10 năm thì cần làm gì để được hưởng chế độ hưu trí? Nếu người lao động gặp tai nạn lao động suy giảm 20% khả năng lao động, đã đóng BHXH được 6 năm, lương tháng là khoảng 12 triệu đồng. Xin hỏi trường hợp này người lao động sẽ được hưởng trợ cấp ra sao?
Anh Cao Văn Dũng, Công ty CP Cơ điện thiết bị công nghiệp Hà Đô. |
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trường hợp này người lao động có thể đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trước. Sau đó, trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu, nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Nếu chủ sử dụng lao động đóng tiếp BHXH cho họ thì không vấn đề gì, chỉ cần chuyển sang đóng BHXH cho người cao tuổi.
Đối với hưởng trợ cấp tai nạn lao động, sẽ được hưởng theo tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động. Có thể tính theo tháng và một lần, tuỳ cách tính. Mức trợ cấp 1 lần = Mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
Mức trợ cấp hàng tháng = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
Chị Phan Thu Trang, Công ty Toyta Thăng Long hỏi: Xin chuyên gia giải đáp, nếu người lao động có 2 thẻ BHYT (do trước đó họ đã có thẻ BHYT nhưng khi ký HĐLĐ với công ty phải đóng BHXH và có thêm thẻ BHYT). Khi đi viện, người lao động phải sử dụng thẻ BHYT của công ty, hiện tại BHYT chỉ được hưởng 80% trong khi thẻ BHYT trước được hưởng quyền lợi cao hơn. Vậy nên giải quyết như thế nào?
Chị Phan Thu Trang, Công ty Toyota Thăng Long nêu câu hỏi về chế độ bảo hiểm y tế. |
Trong thực tế phát sinh khó khăn từ người thực hiện chính sách khi hồ sơ giấy, chứng từ phải nhận qua đường bưu điện. Điều này dễ thất lạc, khiến người lao động phải làm lại giấy tờ.
Từ ngày 1/7 sẽ tăng lương tối thiểu, người lao động hiện quan tâm đến việc xây dựng thang bảng lương, nếu doanh nghiệp có danh mục nghề nằm trong danh mục nặng nhọc độc hại thì doanh nghiệp phải trả khoản bồi dưỡng này. Tuy nhiên, người lao động có kiến nghị khi thanh toán chế độ hưu và nghỉ hưu trước tuổi thì đang gặp rất nhiều khó khăn.
Chuyên gia Vũ Hồng Ngọc: Ở doanh nghiệp bạn hẳn có đánh giá giá trị công việc, trong đó có yếu tố điều kiện làm việc. Để không thiệt thòi cho người lao động, đặc biệt là người lao động làm việc tại vị trí chưa ở danh mục nghề độc hại, doanh nghiệp nên cân nhắc cộng thêm trọng số yếu tố này vào thang bảng lương, tạo điều kiện hơn cho người lao động. Khi mức lương cao lên thì BHXH sẽ tăng lên.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trường hợp người lao động có 2 thẻ BHYT, trước đây rất nhiều, tuy nhiên hiện chúng tôi đã đồng bộ khâu này. Về chế độ với Luật BHYT, có 5 nhóm phải tham gia lần lượt. Đó là Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, Nhóm do tổ chức Bảo hiểm xã hội đóng, Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Mỗi nhóm sẽ có mức độ ưu tiên khác nhau.
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu trao quà tới người lao động tham gia phần giao lưu tại chương trình |
Trường hợp của chị, khi báo tăng thì sẽ có 1 nhóm đối tượng liên quan sẽ bị cắt. Sự thiệt thòi (nếu có) là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với các trường hợp như đối tượng người có công sẽ được đổi mã quyền lợi, hưởng mã quyền lợi cao hơn.
Về vấn đề nhận chứng từ qua bưu điện, hiện các chi phí từ BHXH tới các cơ quan thông qua bưu điện là cơ quan BHXH chịu trách nhiệm trả. Việc thất lạc giấy tờ nếu có, cơ quan BHXH sẽ rà soát và xem xét cụ thể ở từng khâu đoạn. Từ đó xem xét trách nhiệm.
Với vấn đề xây dựng thang bảng lương, vấn đề này không thuộc cơ quan BHXH. Bạn lưu ý, ngành nghề nặng nhọc độc hại sẽ có quy định cụ thể theo ngành nghề. Nếu đơn vị chỉ có một chút hơi hướng nặng nhọc độc hại thì không thể công nhận được. Vấn đề này bạn phải làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để có hướng giải quyết.
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Ngoài những quyền lợi như các chuyên gia đã chia sẻ thì vai trò của tổ chức Công đoàn rất lớn. Khi xây dựng thang bảng lương thì người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của Công đoàn. Với điều kiện thực tế, vị trí công việc, bạn hoàn toàn có thể đề xuất bậc lương ở các vị trí làm việc với tổ chức Công đoàn để Công đoàn kiến nghị. Từ kiến nghị này người sử dụng lao động sẽ cân nhắc và đưa ra quyết định phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Đông, Công đoàn Trường mầm non Nam Trung Yên hỏi: Mức lương cao nhất của giáo viên mầm non hạng 3 sau khi cải cách tiền lương là bao nhiêu?
Chị Nguyễn Thị Đông, Trường Mầm non Nam Trung Yên. |
Chuyên gia Vũ Hồng Ngọc: Mức lương thấp nhất của giáo viên mầm non hạng III là 3,129 triệu đồng. Mức lương cao nhất của giáo viên mầm non hạng III là 7,286 triệu đồng.
Hiện nay, chính sách về cải cách tiền lương vẫn đang ở bước dự thảo, xây dựng văn bản do vậy chúng ta vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể của Chính phủ để xác định được thang bảng lương và mức lương của mỗi ngành nghề.
Tuy nhiên, mức lương của các chị sau ngày 1/7 về nguyên tắc có thể tăng, còn tăng bao nhiêu thì chưa có quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, trong chế độ lương mới, các quy định về phụ cấp của một số ngành nghề sẽ bị bỏ, tuy nhiên, quan điểm khi thực hiện chính sách sẽ là lương mới sẽ không thấp hơn lương cũ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy tặng quà đoàn viên tham gia phần giao lưu tại chương trình. |
Chị Nguyễn Thị Chỉnh, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi: Các doanh nghiệp có bắt buộc trả lương tháng 13 và các tiền thưởng dịp lễ, Tết cho người lao động hay không?
Chị Nguyễn Thị Chỉnh, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm có thắc mắc về chế độ thưởng cho NLĐ. |
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Lương tháng 13 hay những quyền lợi thưởng khác là những điều khoản do người sử dụng lao động và người lao động tự xác lập, trên cơ sở điều kiện thực tế. Bản chất lương tháng 13 và các khoản thưởng khác đó là cơ chế tạo động lực khuyến khích trên cơ sở sự đóng góp, cống hiến cũng như hiệu quả, tính chất công việc.
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa |
Do đó, dưới góc độ Luật thì không bắt buộc, tuy nhiên tại đơn vị, khi người lao động làm việc, chủ sử dụng lao động muốn đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tối đa nhất thì cần có cơ chế tạo động lực. Pháp luật có quy định có chế độ thưởng, trước đây thưởng bằng tiền, hiện nay thưởng có thể bằng tiền hoặc hiện vật.
Nếu thực hiện chế độ thưởng thì đơn vị sử dụng lao động cần xây dựng quy chế thưởng, trong quy chế cần xác định rất rõ đối tượng thưởng, thời gian, điều kiện thưởng, mức thưởng… Trước khi ban hành quy chế, đơn vị sử dụng lao động cần tham khảo ý kiến người lao động.
Chuyên gia Vũ Hồng Ngọc: Chúng ta đang dùng thuật ngữ thành thói quen, lương tháng 13 bản chất đây không phải là lương, mà là khoản tiền thưởng.
Chị Nguyễn Thị Phương, Trường Tiểu học Nguyễn Siêu hỏi: “Nếu người lao động có việc như cưới xin và có chế độ được nghỉ 3 ngày nhưng ngày nghỉ trùng vào thứ bảy, chủ nhật thì có được nghỉ bù không? Nếu 1 năm, người lao động không nghỉ hết phép thì những ngày còn lại chưa nghỉ sẽ được thanh toán như thế nào?
Chị Nguyễn Thị Phương nêu câu hỏi |
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Đối với nghỉ việc riêng như người lao động cưới, luật quy định nghỉ 3 ngày. Bản chất nghỉ 3 ngày hưởng nguyên lương nên thực tế là ngày làm việc. Nếu trùng vào ngày nghỉ lễ, Tết thì có thể tính luỹ tiến. Tuy nhiên có nhiều trường hợp do chủ sử dụng lao động quyết định.
Chế độ nghỉ phép hàng năm có sự khác biệt tương đối lớn giữa Bộ luật Lao động năm 2012 và Bộ luật Lao động năm 2019. Đối với Bộ luật Lao động năm 2012, nếu người lao động không nghỉ hết phép thì những ngày còn lại sẽ được thanh toán.
Đến Bộ luật Lao động năm 2019, chỉ thanh toán với trường hợp người lao động thôi việc hoặc mất việc làm. Nếu trong trường hợp chưa nghỉ phép, người chủ sử dụng lao động có thể giải quyết, bố trí để cho người lao động nghỉ nốt ngày phép. Tuy nhiên, nếu có đơn vị thực hiện thanh toán thì cái này phải được quy định theo từng đơn vị, trong các quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị…
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô trao quà tới người lao động. |
Câu hỏi độc giả theo dõi trực tuyến: Xin chuyên gia giải đáp cho tôi, người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp nào?
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Người sử dụng lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Thường họ phải có được lý do để đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo pháp luật quy định như: Không hoàn thành công việc thường xuyên, điều này phải căn cứ theo quy chế của đơn vị; nếu người lao động bị ốm đau, không đủ sức khỏe để quay lại làm việc; người lao động bỏ việc 5 ngày liên tục trở lên…
Người sử dụng lao động nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật sẽ phải nhận người lao động quay lại trở lại làm việc và bồi thường cho người lao động. Nếu người lao động không quay lại làm việc thì người sử dụng lao động phải thực hiện thủ tục trợ cấp thôi việc…
Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Với trường hợp này, người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bà Lê Hà Thu, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ quận Cầu Giấy tặng quà đoàn viên, người lao động. |
Anh Vũ Đức Thắng, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội hỏi: Hiện Trung tâm tôi có 2 nhóm đối tượng: viên chức có chức danh lãnh đạo và không có chức danh lãnh đạo, vậy sau khi cải cách tiền lương thì tiền lương của 2 nhóm đối tượng này được tính như thế nào?
Chuyên gia Vũ Hồng Ngọc: Trước đây chúng ta tính lương theo hệ số, cải cách tiền lương tới đây sẽ bỏ hệ số, quy thành một mức tiền cụ thể. Xếp lương theo vị trí việc làm đòi hỏi các đơn vị việc làm phải có kỹ thuật đánh giá vị trí công việc, ví dụ như sắp xếp xem vị trí của mình có bao nhiêu chức danh, các điều kiện mà chức danh đó phải có thì sẽ tương ứng với mức lương ghi trong Hợp đồng lao động.
Khi cải cách tiền lương, lương tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc việc xây dựng hệ thống lương mới như thế nào, trong quá trình tính toán nhà nước sẽ có các yếu tố, khu vực tham chiếu để quy đổi từ mức lương hệ số sang mức lương bằng tiền theo giá trị công việc.
Chị Phạm Thị Thanh Tâm, Trường Tiểu học Trung Hòa: Đối với các đơn vị giáo dục sau khi thay đổi cách tính tiền lương, tiền thâm niên của giáo viên bị cắt thì liệu mức lương mới có đảm bảo bằng với mức cũ không?
Chuyên gia Vũ Hồng Ngọc: Thực tế hiện nay lương thâm niên là khoản thu nhập quan trọng đối với giáo viên. Theo dự thảo, chính sách cải cách tiền lương mới sẽ không còn quy định rõ ràng về lương thâm niên nữa.
Đây là câu chuyện chính sách và nhận được sự quan tâm lớn của đơn vị xây dựng pháp luật, đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, về cơ bản qua dự thảo có thể hiểu khi chuyển sang hưởng lương theo vị trí việc làm thì tiền thâm niên có được tính nhưng sẽ xác định theo yêu cầu của công việc, việc làm.
Ví dụ như giáo viên cấp 1, cấp 2 sẽ phải đạt tối thiểu bao nhiêu năm… Để làm được việc này là rất khó khăn. Do vậy, mọi quy định cụ thể thì vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn sau ngày 1/7.
Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Quận ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy nhấn mạnh, sau hơn 2 giờ diễn ra sôi nổi, buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách đã thành công tốt đẹp. Với sự có mặt của đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tại Hội trường cùng hàng chục câu hỏi gửi tới các chuyên gia đã thể hiện sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, người lao động tới chủ đề của chương trình hôm nay. Bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, hầu hết các câu hỏi, thắc mắc của người lao động đã được các chuyên gia trao đổi, giải đáp thỏa đáng. Tuy nhiên, do thời gian có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi mà người lao động chưa kịp đặt ra hoặc có những vấn đề cần được trao đổi kỹ hơn, LĐLĐ quận Cầu Giấy và Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp thu, tổng hợp, trao đổi với chuyên gia để có thể giải đáp kỹ lưỡng tới đoàn viên, người lao động bằng một hình thức khác. Trong thời gian tới, LĐLĐ quận sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất với lãnh đạo quận, phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức thêm các chương trình đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông trực tuyến với nhiều chủ đề khác nhau để nâng cao kiến thức pháp luật, truyền thông chính sách tới đoàn viên, CNVCLĐ. |
Bình luận