Áp lực thuế tối thiểu toàn cầu: Cần cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh Hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng sẽ cải thiện kinh doanh tại Việt Nam trong năm tới Doanh nghiệp thành lập mới chạm mức cao kỷ lục, đạt gần 160.000 doanh nghiệp

Vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính: Theo báo cáo của Bộ, trong thời gian qua nhiều nơi đã lợi dụng hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và đặt cược có thưởng để tổ chức đánh bạc hoặc đặt cược trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước.

Vậy khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và đặt cược có thưởng có những thay đổi gì trong thời gian qua? Tại sao đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược nào và Bộ trưởng có giải pháp gì để công tác quản lý trong lĩnh vực này đạt hiệu quả?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay trong nước có 93 trò chơi điện tử ở các khách sạn 5 sao, các trò chơi điện tử chỉ áp dụng đối với người nước ngoài. Điều kiện để hoạt động trò chơi điện tử này doanh nghiệp phải có vốn 500 tỷ đồng trở lên. Thứ hai là phải có hệ thống thiết bị điện tử để giám sát, phải có đội ngũ chuyên nghiệp,…

Các trò chơi điện tử ở các khách sạn 5 sao này đã hỗ trợ cùng với hoạt động kinh doanh của khách sạn đạt hiệu quả và đóng góp giải quyết được lao động.

Vì sao chưa cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược?
Chưa doanh nghiệp nào được cấp phép kinh doanh đặt cược bóng đá. Ảnh minh họa.

Còn với loại hình đặt cược, có 3 loại hình là bóng đá, đua ngựa và đua chó. Nhưng tại sao hiện nay chưa triển khai được? Bộ Tài chính lý giải: “Khi triển khai loại hình đặt cược về bóng đá chúng tôi xây dựng quy định để tổ chức đấu thầu về loại hình này nhưng vướng phải Luật Đấu thầu.

Tức Luật Đấu thầu lúc đó chưa có quy định, sau này chúng tôi kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa Luật Đấu thầu và đã đưa được điều này vào trong Luật Đấu thầu. Bây giờ phải xây dựng hành lang pháp lý để triển khai với bóng đá”.

Còn đối với đua ngựa, đua chó cũng đã có quy định: Các chủ đầu tư phải xây dựng các hệ thống trường đua chuẩn và phải có các thiết bi, có nhân công chuyên nghiệp đảm bảo vận hành hệ thống. Hiện nay trong nước đang triển khai 2 điểm dự án liên quan đến đua ngựa và đua chó. Vì đây là một loại hình mới nên Bộ Tài chính vừa nghiên cứu, vừa triển khai và vừa ngăn ngừa rủi ro.

Bộ Tài chính cũng cho biết sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án hoàn thành cơ sở vật chất để đạt được các điều kiện cấp phép đặt cược thì Bộ Tài chính sẽ triển khai cấp phép.

Hiện có 7 tỉnh, thành phố đang đề xuất cấp phép đầu tư các dự án đua ngựa, đua chó có cá cược là Hà Nội, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hà Tĩnh. Tuy vậy, hầu hết các dự án vẫn đang ở dạng đề xuất đầu tư, chưa triển khai xây dựng, chưa tổ chức đặt cược. Trong số này có hai dự án đang triển khai gồm dự án trường đua ngựa Sóc Sơn (Hà Nội) và dự án trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã - Madagui - Câu lạc bộ polo và Ngựa biểu diễn (Lâm Đồng).

Việc ban hành các quy định, tiến tới cấp phép chính thức hoạt động kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế, đua ngựa, đua chó theo phân tích của nhiều chuyên gia là cần thiết nhưng phải làm chặt chẽ.

Qua các dự án đang đề xuất cấp phép cho thấy, nhu cầu kinh doanh cá cược trong nước hiện nay là có, vì vậy cần ban hành cơ chế, điều kiện cụ thể về hoạt động kinh doanh cá cược. Đây là hoạt động kinh doanh nhạy cảm nên không thể buông lỏng việc cấp phép.

Bảo Thoa