Nhiều kết quả hợp tác kinh tế, văn hóa giữa TP.HCM với Nhật Bản Sức hút lớn từ chương trình miễn thu phí lao động sang Nhật làm việc Thúc đẩy việc phái cử thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc Đối tác Israel và Nhật Bản xúc tiến đầu tư “Thành phố biển quốc tế Vũng Tàu”

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra tại báo cáo sơ bộ về kết quả “Khảo sát thực trạng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2023” do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) thực hiện.

Khảo sát được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2023 qua hình thức gửi email; doanh nghiệp trả lời câu hỏi qua phiếu khảo sát online. Có 14.018 doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương (bao gồm có Việt Nam), trong đó hơn 4.982 doanh nghiệp trả lời hợp lệ, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát về triển vọng lợi nhuận kinh doanh, 54,3% doanh nghiệp dự báo có lãi trong năm 2023, thấp hơn 6,6 điểm so với mức trung bình của ASEAN. Dự báo về lợi nhuận kinh doanh năm 2024, 50,4% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ cải thiện và 8,3% doanh nghiệp cho rằng sẽ xấu hơn so với dự báo lợi nhuận kinh doanh của năm 2023. Nhiều công ty đang hy vọng vào sự cải thiện nhờ sự phục hồi của năm 2023.

Hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng sẽ cải thiện kinh doanh tại Việt Nam trong năm tới
Công ty TNHH TOTO Việt Nam là công ty thành viên của TOTO Nhật Bản. (Ảnh: Mai Quý)

Về kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023 (so với năm 2022), 32% cho rằng cải thiện, giảm 15,6 điểm so với năm trước. Lý do cải thiện về kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023, đối với ngành chế tạo là do nhu cầu tại thị trường xuất khẩu tăng; với ngành phi chế tạo là do nhu cầu tại thị trường nội địa tăng được doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất.

Ngoài ra, sự nỗ lực của doanh nghiệp trong cải thiện năng suất, cắt giảm chi phí cũng được xếp ở thứ hạng cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng lý do kinh doanh xấu đi là do sự sụt giảm nhu cầu trong và ngoài nước. Điều này còn vượt xa sự gia tăng chi phí nhân công, mua nguyên vật liệu.

Về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời mở rộng tại Việt Nam là 56,7% (giảm 3,3 điểm so với năm trước). Tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng chức năng bán hàng do mở rộng nhu cầu thị trường trong nước là 62%. Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời thu hẹp hoặc rút lui hay di chuyển sang nước (khu vực) thứ 3 là 2,5% (tăng 1,4 điểm so với năm trước).

Về phát triển kinh doanh trong tương lai trong 1 - 2 năm tới (theo ngành nghề Việt Nam), tỷ lệ doanh nghiệp ngành chế tạo trả lời mở rộng là 47,1% (giảm 7,3 điểm so với năm trước), ngành phi chế tạo là 65,5% (giảm 0,4 điểm). Lý do mở rộng kinh doanh ở cả hai ngành trên là mở rộng nhu cầu thị trường nội địa và tăng xuất khẩu. Cao su, gốm sứ, đất đá và dệt may là những ngành có tham vọng mở rộng giảm mạnh.

Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đối tác số 1 về ODA, đối tác số 2 về lao động, đối tác số 3 về đầu tư và du lịch, đối tác số 4 về thương mại. Các hoạt động giao lưu, hợp tác địa phương diễn ra sôi nổi, ngày càng sâu sắc. Thông qua các hoạt động, doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã có nhiều hợp tác phát triển nền công nghiệp phụ trợ, phát triển nhân lực, đề xuất xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa ở Việt Nam.

Đến nay có khoảng 100 cặp quan hệ cấp địa phương Việt - Nhật đã được thiết lập. Cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản hiện đạt gần 500 nghìn người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 và đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản.

Bảo Thoa