Sức hút lớn từ chương trình miễn thu phí lao động sang Nhật làm việc
Nâng cao kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động Hà Nội: Đa số người lao động không cố ý trục lợi bảo hiểm thất nghiệp Tập đoàn LEGO tại Bình Dương sẽ tuyển dụng hàng ngàn lao động |
Từ cuối năm 2022, trước sức ép về nhu cầu lao động, các cơ quan của Nhật bắt đầu thảo luận về cơ chế mới để người lao động nước ngoài sang Nhật Bản không phải mất chi phí để có thể yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài tại nước này, hướng tới việc tuyển dụng lao động theo chuẩn quốc tế...
Đại diện Công ty cổ phần Thương mại phát triển kỹ thuật và nhân lực quốc tế (JVNET) cho biết, thực tế từ năm 2020, doanh nghiệp bắt đầu thử nghiệm đơn hàng đưa lao động đi làm việc ở Nhật với chi phí 0 đồng. Theo đó, người lao động đi làm việc theo chương trình này sẽ chỉ mất một khoản phí nhỏ làm thủ tục... Chi phí còn lại như đào tạo, dịch vụ, xuất cảnh, vé máy bay… sẽ được phía doanh nghiệp Nhật chi trả.
Đại diện JVNET cũng cho biết, những chương trình tuyển lao động miễn phí sang Nhật làm việc hầu hết là của những doanh nghiệp có nhu cầu lớn về lao động. Họ sẵn sàng hỗ trợ lao động toàn bộ phí dịch vụ để các doanh nghiệp Việt yên tâm tuyển đủ nhân sự.
Chẳng hạn, một đối tác lớn của doanh nghiệp Việt là Tập đoàn Toyota Enterprise. Tập đoàn này đặt vấn đề muốn tuyển lao động Việt đều đặn trong nhiều năm nên đưa ra chương trình hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người lao động. Đến nay, doanh nghiệp đã đưa hàng trăm lao động sang Nhật theo chương trình này.
“Công việc chủ yếu là dọn dẹp vệ sinh, cơ khí, chăn nuôi, thực phẩm… Dù không quá đa dạng nhưng chương trình này lại có nhiều đơn hàng cho người lao động đến 35 - 40 tuổi. Điều này giúp tăng cơ hội làm việc cho lao động Việt. Chưa kể, mức lương của chương trình tuyển dụng miễn phí cũng không kém cạnh các chương trình khác”, đại diện JVNET cho hay.
Buổi phỏng vấn xuất khẩu lao động Nhật Bản tại JVNET. |
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát triển Tập đoàn An Dương Bùi Xuân Quảng chia sẻ, trong gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp gặp không ít trường hợp lao động có hoàn cảnh khó khăn và đã hỗ trợ bằng cách giảm phí hoặc cho người lao động nợ phí. Tuy nhiên, số lượng lao động cần giúp đỡ còn rất lớn.
Năm ngoái, khi ông chia sẻ vấn đề này với Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Camcon (Nhật Bản), lãnh đạo tập đoàn này bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt thực hiện chương trình đưa lao động sang Nhật với phí dịch vụ 0 đồng. Tập đoàn này đã triển khai chương trình tương tự tại Indonesia và chỉ sau 1 năm triển khai, Camcon đã tiếp nhận 300 lao động Indonesia sang làm việc và hiện phía doanh nghiệp đã lựa chọn được khoảng 200 người chuẩn bị xuất cảnh trong thời gian tới.
“Khi nhận được đề nghị này, chúng tôi rất vui mừng vì cơ hội lớn đang mở ra cho người lao động Việt. Dự kiến, năm đầu tiên sẽ có từ 400 - 600 lao động được đi theo chương trình này sang Nhật Bản. Chi phí giảm nhưng lao động vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ như những thực tập sinh khác”, ông Quảng bày tỏ. Tuy nhiên, theo ông Quảng, việc nhân rộng chương trình không hề đơn giản mà hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác Nhật.
Ông Nguyễn Xuân Tuyến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hải Phong cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã triển khai một số chương trình thu phí 0 đồng đối với lao động sang Nhật. Chương trình thu hút sự quan tâm rất lớn của người lao động khi số lượng đăng ký tham gia vượt ngoài mong đợi.
“Hầu hết doanh nghiệp Việt đều mong muốn thực hiện chương trình, vì rất có lợi cho lao động. Tuy nhiên, điều quan trọng là phía doanh nghiệp Nhật có chịu chi trả chi phí như đào tạo, hỗ trợ, quản lý… hay không. Do đó, những chương trình này hiện diễn ra nhỏ lẻ và phụ thuộc vào các đối tác mà phía doanh nghiệp đàm phán”, ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cho rằng, Nhật Bản đang là quốc gia có mức độ già hóa dân số cao nhất thế giới nên nhu cầu tuyển lao động nước ngoài rất cao. Hiện, Việt Nam có số lượng lao động làm việc tại Nhật lớn nhất nên để mở rộng chương trình cần phải có sự nỗ lực lớn từ hai phía, đặc biệt cần chính sách đồng bộ, thống nhất tầm cấp Chính phủ.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Việt Nam có khoảng 550.000 người sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Hai nước đã triển khai một số chương trình đưa lao động đi làm việc miễn phí như Chương trình IM Japan, EPA điều dưỡng, hộ lý. Với chương trình IM Japan, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đến nay đã có 65.000 lao động kỹ thuật, kỹ sư, phiên dịch viên và hàng nghìn lao động huyện nghèo sang làm việc.
Còn chương trình EPA điều dưỡng, sau 11 năm triển khai, Việt Nam đã đưa được trên 1.900 điều dưỡng và hộ lý xuất cảnh sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản. Những lao động này của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với ứng viên từ một số quốc gia phái cử khác như Philippines và Indonesia với tỷ lệ được cấp chứng chỉ cao nhất.
Tuy nhiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước thừa nhận, trên thực tế vẫn còn nhiều chương trình người lao động Việt Nam bị thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định. Đặc biệt, một số đối tác Nhật Bản yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trả tiền hoa hồng khi tiếp nhận thực tập sinh, tạo gánh nặng chi phí lên người lao động.
Hiện có hơn 550.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Sự ra đời của chương trình hỗ trợ chi phí cho người lao động đi làm việc tại Nhật cũng góp phần thúc đẩy người lao động đi nhiều hơn, giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động, giúp họ cải thiện kinh tế gia đình cũng như mang các kinh nghiệm, kiến thức về phát triển đất nước. |
Bình luận