Vì sao phải tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng bất động sản
Doanh nghiệp bất động sản đang chịu nhiều sức ép Nguồn cung căn hộ du lịch nghỉ dưỡng đang chậm Giá bán căn hộ chung cư và nhà đất đều tăng, thanh khoản thấp |
Tại Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững”, tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, năm 2022 nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, lý do chính là kinh tế phục hồi tương đối tốt. Dòng tiền trước đây đổ vào bất động sản, chứng khoán nhiều, nay đã quay trở lại lĩnh vực sản xuất nhiều hơn, và đây là một điều tích cực.
Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát tương đối chặt chẽ sau một vài vụ việc gần đây, nên một phần vốn dồn sang tín dụng ngân hàng, bằng chứng là mức tăng hơn 9,3% nửa đầu năm nay - là mức tăng nóng.
Bất động sản luôn là kênh đầu tư có sức đề kháng tốt trước nhiều biến động của thị trường, dịch bệnh hay lạm phát. (Ảnh minh họa) |
"Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chú ý đến vấn đề lạm phát khi cung tiền từ nhiều kênh sẽ gia tăng trong thời gian tới, và vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng khi tăng trưởng tiền gửi dưới 5% mà tín dụng tăng hơn 9%", chuyên gia Cấn Văn Lực lưu ý.
Cùng với đó, cũng cần phải nới cả kênh trái phiếu doanh nghiệp. Năm 2021, kênh này rất lớn, trong đó khối bất động sản chiếm khoảng 36%. Kỳ vọng kênh trái phiếu sẽ tiếp tục được mở rộng sau khi chậm lại trong mấy tháng vừa qua, đóng góp tới 20 - 25% nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Cuối cùng, cần phải tiếp tục khơi thông môi trường đầu tư kinh doanh để có thể hút nhiều hơn vốn tư nhân.
Có thể thấy, bên cạnh nguồn vốn ngân hàng, trái phiếu bất động sản đã trở thành kênh huy động vốn cho nhiều doanh nghiệp bất động sản trong vài năm trở lại đây với quy mô lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Là người quan sát chặt chẽ thị trường này, ông Nguyễn Quang Thuân - CEO Fiin Group đánh về vai trò của trái phiếu doanh nghiệp trong các kênh huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản cũng như những bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thời gian qua. Bên cạnh đó, ông cũng cập nhật tình hình vay nợ và khả năng trả nợ của nhóm bất động sản niêm yết.
Những động thái kiểm soát tín dụng bất động sản và phát hành trái phiếu bất động sản trong thời gian gần đây của cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa) |
Theo đại diện Fiin Group, về số liệu, 54 doanh nghiệp bất động sản niêm yết hiện có số dư cho vay khoảng 435.000 tỷ đồng. Con số này rất lớn, tương đương 50% tổng tín dụng vào bất động sản. Ngoài ra, còn có vốn tín dụng quốc tế, với số dư huy động khoảng 4 tỷ USD.
“Tuy nhiên, trên thực tế, tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản không lớn, chỉ chiếm 14%, còn lại là từ khách hàng, đối tác. Để đánh giá đúng về tín dụng bất động sản, chúng ta cần một góc nhìn rộng hơn, không chỉ room tín dụng, không chỉ trái phiếu doanh nghiệp, mà là toàn bộ cơ chế tín dụng trong lĩnh vực này”, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định.
Những động thái kiểm soát tín dụng bất động sản và phát hành trái phiếu bất động sản trong thời gian gần đây của cơ quan quản lý nhà nước ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản. Ông Nguyễn Đức Quân - Phó Tổng giám đốc Nam Land cho rằng, bất động sản là kênh tích lũy tài sản, đầu tư an toàn trước các biến động thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, nếu xuất hiện biến động các biến động lớn liên quan đến tài chính thì giá trị đồng tiền sẽ bị ảnh hưởng với dự báo lạm phát tăng cao. Khi đó, đối với các nhà đầu có nhu cầu tìm kiếm kênh neo giữ tài sản thì bất động sản thường là kênh đầu tiên được nghĩ đến.
Bất động sản là lựa chọn phù hợp làm kênh trú ẩn an toàn, ổn định hơn và thậm chí còn gia tăng giá trị theo thời gian, ưu thế hơn rất nhiều so với các kênh khác như: Vàng, chứng khoán, tiền số, lãi suất tiết kiệm. Và thực tế cũng đã chứng minh rằng, trong suốt thời gian qua, bất động sản luôn là kênh đầu tư có sức đề kháng tốt trước nhiều biến động của thị trường, dịch bệnh hay lạm phát...
Ở thời điểm này, chỉ những chủ đầu tư có dòng tiền mạnh, hạ tầng tốt mới chiếm được niềm tin của nhà đầu tư. Khi siết tín dụng, tâm lý nhà đầu tư sẽ chi “tiền tươi thóc thật” nhiều hơn sử dụng các đòn bẩy, do đó sẽ chọn lọc rất kỹ các dự án để đầu tư.
“Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư sở hữu được các bất động sản với mức giá hợp lý do thị trường có khả năng sẽ điều chỉnh nhịp tăng giá, kèm theo đó là loạt chính sách ưu đãi của chủ đầu tư để kích cầu thị trường bất động sản. Nói cách khác, nếu thị trường tốt thì thời kỳ lướt sóng nhiều hơn nhưng giá bị đẩy cao hơn”, ông Nguyễn Đức Quân nhận định.
Bảo Thoa
Bình luận