Việt Nam nằm trong 30 nước xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới: Tự tin hướng đến cột mốc 1.000 tỉ USD năm 2025 EVFTA và cơ hội nhập khẩu, đầu tư từ EU Tạo thêm nhiều việc làm từ Hiệp định EVFTA

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, sau 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường này và đạt được những kết quả tích cực.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6 % so với năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đạt kim ngạch tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Vị thế kinh tế quốc tế của Việt Nam sau 3 năm thực thi CPTPP
Nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần định vị thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. (Ảnh minh họa: BT)

Tại “Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP”, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết: Là một trong những ngành dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước về ngành công nghiệp chế biến chế tạo, 9 tháng năm 2022, ngành điện tử tiếp tục đạt giá trị xuất khẩu tuyệt đối, gần 87 tỷ USD, xuất siêu 12,5 tỷ USD trong bối cảnh cả nước xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Ngành điện tử xuất siêu sang các thị trường mục tiêu của CPTPP, tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất nằm ở thị trường Mỹ, thứ nhì là Trung Quốc, Hàn Quốc và sau đó là các quốc gia khác, trong đó có các quốc gia thuộc CPTPP và khu vực châu Mỹ, như là Canada, Chile, Peru.

Là doanh nghiệp có hệ sinh thái khá toàn diện và lợi thế ở lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, Tập đoàn PAN và các đơn vị thành viên đã xuất khẩu lên tới hơn 30 thị trường, trong đó có các thị trường lớn trong CPTPP như Nhật Bản, Úc, Canada.

Ông Nguyễn Hồng Hiệp, đại diện Tập đoàn PAN cho biết, hiện nay, Nhật Bản đang chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 doanh số xuất khẩu của PAN. Canada cũng đang gia tăng nhập khẩu thủy sản, hạt điều của PAN. Trong khi đó, Australia ngoài các sản phẩm liên quan tới hạt, thủy sản, PAN cũng đã đưa vào thị trường các sản phẩm như gạo, trong đó có cả gạo trắng và thực phẩm chức năng.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, ngay trong năm đầu thực thi CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường Canada và Mexico đã có tốc độ tăng trưởng gần 30%. Đặc biệt, ngay trong năm đầu tiên Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường CPTPP trên một tỷ USD.

Sau 3 năm thực hiện CTPPP, kết quả còn đáng khích lệ hơn. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi điểm lại việc thực thi Hiệp định CPTPP, những con số Chính phủ báo cáo ra Quốc hội được đánh giá rất cao, đặc biệt những thị trường mới mở, tăng trưởng tiếp tục duy trì ở tốc độ cao. Và tổng kim ngạch xuất siêu trong những tháng đầu năm của năm 2022 sang khối thị trường này đạt được mức lúc đó khoảng 6 tỷ USD, đóng góp rất đáng kể cho những nỗ lực chung, những thành tích chung về xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Lương Hoàng Thái cũng nhận định rằng, ngoài những thành tích ban đầu về xuất nhập khẩu thì đây là một hiệp định mà lần đầu tiên đưa Việt Nam có một vị thế mới ở trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thực thi CPTPP cũng là một bước đệm để Việt Namcó được cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác.

Có thể thấy, tất cả những nước ở trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà EU đặt mối quan hệ đều là thành viên của CPTPP. Nhật Bản, Singapore, Việt Nam là 3 nước ở khu vực phê chuẩn Hiệp định CPTPP đầu tiên đều có quan hệ thương mại tự do với EU. Đây là bàn đạp để Việt Nam có được những cơ sở để thiết lập quan hệ vững mạnh với những đối tác khác. Ngoài ra, có nhiều nền kinh tế khác như Uruguay, Costa Rica cũng quan tâm đến hiệp định. Chứng tỏ rõ ràng vị thế của CPTPP đang được cải thiện.

Hiệp định CPTPP chuẩn bị bước sang năm thứ 4 thực thi, những lợi thế ban đầu sẽ không còn nhiều, vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn những ưu đãi mà hiệp định này mang lại, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ngành địa phương tiếp tục tập trung để giải quyết những khó khăn và rào cản.

Mục tiêu đưa CPTPP là động lực cho tăng trưởng trên cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong sự cân bằng với các doanh nghiệp FDI, góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.

Bảo Thoa