Tự tin kiểm soát lạm phát trong mức cho phép Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát sau khi FED tăng lãi suất

Nền kinh tế Việt Nam có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022, với tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, tức là đã gần đạt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 7% đã đề ra.

Đáng chú ý là Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tác động mạnh từ diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, lạm phát và thương mại quốc tế. Tính chung 8 tháng, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tăng 2,58%, chỉ tương đương các năm 2018-2021. Do đó, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Việt Nam còn dư địa để kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp, tạo dư địa tăng trưởng kinh tế trên nền tảng ổn định vĩ mô.

Trong bối cảnh bất ổn của kinh tế thế giới thời gian qua, phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát, bằng biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất cơ bản. Nhưng Việt Nam lựa chọn: Vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Cơ sở của lựa chọn này, là tình hình tài khóa ngân sách của nước ta tương đối tốt, tỷ lệ nợ công ở mức khả quan nên có thể dựa nhiều vào chính sách tài khóa. Ngay cả việc hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, cũng dùng nguồn tiền hỗ trợ nhờ ngân sách, chứ chưa cần dùng đến chính sách tiền tệ.

TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, lựa chọn hỗ trợ nền kinh tế dựa nhiều vào chính sách tài khóa là chính xác.

Việt Nam còn dư địa kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô
Ảnh minh họa: KT

“Tài khóa của chúng ta vẫn tương đối vững, thu ngân sách 8 tháng năm 2022 tăng 19%, và như vậy chúng ta vẫn tiếp tục nới tài khóa, cẩn trọng và linh hoạt với chính sách tiền tệ. Đây là lựa chọn của Việt Nam để ổn định” - TS.Võ Trí Thành cho biết.

Chuyên gia phân tích, hỗ trợ bằng chính sách tài khóa ít gây áp lực cho lạm phát hơn, đồng thời cũng có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định. Đặc biệt, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ thế giới rất cao.

TS.Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. Đây là một phòng tuyến, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào. Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt việc này, giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6 và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Như vậy là sự lan truyền của lạm phát và Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá, nếu vỡ phòng tuyến này thì tỷ giá vô cùng khó khăn”.

Các chuyên gia cũng đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước giữ tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Bởi nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá còn lớn, gây áp lực lên lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Đối với nguồn lực về vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế, quan trọng là vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung đúng vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro.

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch nhận định, cần tận dụng tốt dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại của năm. “Từ nay cuối năm, về tín dụng còn khoảng 4%, phải bơm vào được những nơi cần bơm, như Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu. Những ưu tiên, gọi là dòng tín dụng đặc biệt, vào những lĩnh vực lan tỏa nhanh, phục hồi được, trong đó có gói (hỗ trợ lãi suất) 2%, phải bơm đúng và tác dụng nhanh…”.

Như vậy, Việt Nam đang còn dư địa tài khóa và tiền tệ để tiếp tục theo đuổi chủ trương: vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đó là cách “lấy bất biến - ứng vạn biến”, lấy ổn định vĩ mô ứng phó với biến động mạnh từ tình hình kinh tế, chính trị không thuận trên thế giới hiện nay.

Tất nhiên, hàng loạt thách thức đang gia tăng, như: Áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, chi phí sản xuất tăng, rủi ro về chuỗi cung ứng cao hơn, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của nước ta có dấu hiệu suy yếu… Trong khi đó, nguồn lực quốc gia còn eo hẹp. Do đó, điều quan trọng trong thời gian tới, là phải sử dụng đúng, trúng và hiệu quả cao nhất nguồn lực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/viet-nam-con-du-dia-kiem-soat-lam-phat-on-dinh-vi-mo-post974847.vov