Nỗ lực chăm lo cho người nghèo BHXH thực hiện hỗ trợ hơn 45.444 tỷ đồng cho lao động và doanh nghiệp

Cách đây một năm, lúc đó ở nước ta, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chỉ thị 16 được thực hiện nghiêm để đảm bảo công tác phòng dịch, người dân đón Quốc khánh trong giãn cách xã hội. Quốc khánh năm nay, trong nhịp sống bình thường mới, không khí tươi vui nhộn nhịp đã trở lại.

Tròn một năm trôi qua, giờ đây kinh tế đang dần phục hồi và phát triển, nhịp sống bình thường đã thực sự trở lại. Mỗi người dân đều háo hức trong ngày lễ lớn của đất nước với niềm xúc động, tự hào và trân quý hơn nhịp sống bình yên hôm nay.

Nhớ lại giai đoạn cao điểm nước ta đương đầu với đại dịch, đã có khoảng 70 chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp được Chính phủ, các, bộ, ngành, địa phương triển khai. Hàng loạt chính sách "chưa từng có tiền lệ" được ban hành gấp rút với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, để người dân có đủ ăn, đủ mặc.

Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định xuất cấp hơn 158.000 tấn gạo dự trữ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

An sinh xã hội: Tiếp cận trên quyền và nhu cầu của người được hưởng thụ

Theo nghị quyết 68/NQ-CP, Chính phủ quyết định tung ra gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng với 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu do tác động của đại dịch Covid-19, tập trung chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp.

Đặc biệt, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng được triển khai vô cùng thần tốc.

Việc chi trả nhanh, gọn, dứt điểm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đúng lúc người lao động, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống người lao động, nhất là những lúc đầy thử thách do thiên tai, dịch bệnh.

Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, đại dịch Covid-19 được xem như là một "phép thử" đối với sức bền của hệ thống an sinh xã hội ở nhiều quốc gia. Đối với Việt Nam, trong thời điểm khó khăn ấy, các chính sách an sinh được triển khai nhanh hơn gần hơn và hiệu quả hơn, độ bao phủ tốt hơn.

“Trong những giai đoạn bình thường, để đạt được những chỉ tiêu ấy trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội là vô cùng khó khăn. Nhưng đúng thời điểm của 2 năm đại dịch thì rõ ràng các chính sách này thể hiện được những ưu điểm đấy”, TS Lan Hương khẳng định.

An sinh xã hội: Tiếp cận trên quyền và nhu cầu của người được hưởng thụ
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ LĐTB&XH

Một ưu điểm nữa mà bà Hương cũng muốn nhắc tới khi nói về vai trò của hệ thống an sinh xã hội giai đoạn Covid-19, đó chính là tính toàn diện. Không chỉ hỗ trợ người lao động, các chính sách cũng đã kịp thời đồng hành cùng cả các doanh nghiệp. Điển hình như các chính sách hỗ trợ giảm đóng hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ vay vốn không lãi suất để trả lương cho người lao động.

Đặc biệt ở giai đoạn này khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

Đáng chú ý trong nhóm bảo đảm an sinh xã hội, việc Chính phủ ban hành Quyết định 08 hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng.

Thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, tổng nguồn vốn 15.000 tỷ đồng; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, tổng nguồn vốn 3.000 tỷ đồng.

Theo TS Lan Hương, mặc dù nguồn lực hỗ trợ tuy chưa thật lớn, song có lẽ những chính sách như Quyết định 08, là cần thiết ở giai đoạn phục hồi này để đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội. “Tôi cho đấy là một bước tiến rất quan trọng và đứng về mặt lý thuyết thì những gói hỗ trợ này phải được thể chế hóa trở thành những chính sách thường xuyên hơn, trở thành một trong những trụ đỡ về dịch vụ xã hội cơ bản đối với người lao động”, bà Hương nhấn mạnh.

Để tiếp tục đồng hành và chăm lo, bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo tăng trưởng bao trùm và bền vững, thời gian tới đây, bà Lan Hương cho rằng: cần có giải pháp toàn diện, nâng cao năng lực quốc gia về ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh... nhất là đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực ứng phó cho cơ sở và từ cơ sở một cách kịp thời, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Đảm bảm nguồn lực để thực hiện tốt chức năng của các trụ cột an sinh xã hội. Đó là giảm thiểu rủi ro thông qua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; khắc phục rủi ro thông qua bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách người có công; phòng ngừa rủi ro trên cơ sở việc làm bền vững, năng suất cao, phục hồi và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bà Hương nhấn mạnh, bảo đảm an sinh xã hội phải đồng thời gắn với phát triển việc làm, thu nhập thỏa đáng, nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn cho người lao động. Trong đó, “giải pháp gốc” là tập trung nâng cao trình độ người lao động ở 2 khu vực: Lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động và lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân. Cùng với đó, chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành, lĩnh vực có năng suất thấp sang lĩnh vực lao động có năng suất cao; tăng năng suất lao động bằng cách đầu tư công nghệ, phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề và quản trị doanh nghiệp…

Nghiên cứu bổ sung chính sách mới, tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ, nhằm bao phủ những khoảng trống trong chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, chăm lo tốt hơn cho đời sống của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, còn nhiều khó khăn và dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đối với trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“An sinh xã hội để làm tròn vai trò của mình thì phải tiếp cận theo hướng dựa trên quyền và nhu cầu của người được hưởng thụ chứ không phải tiếp cận trên quan điểm chính sách”, bà Hương chia sẻ./.

Theo Thanh Hương/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/an-sinh-xa-hoi-tiep-can-tren-quyen-va-nhu-cau-cua-nguoi-duoc-huong-thu-post967311.vov