TP.HCM: Tìm "đầu ra" cho doanh nghiệp xuất khẩu Đến năm 2045 SHTP trở thành tiểu khu đô thị khoa học và công nghệ Khám phá ẩm thực, văn hoá Quảng Nam ngay tại TP.HCM

Ngày 22/5, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã tổ chức hội thảo góp ý xây dựng “Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM”, nhằm tìm ra giải pháp huy động tối đa nguồn lực kiều hối trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi về qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối.

Theo ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế và Khoa học công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nguồn lực kiều hối đã và đang trở thành một nguồn lực có vị trí rất quan trọng trong tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài. Thường xuyên đạt trên 10 tỉ USD năm, lên tới 17 tỉ USD vào năm 2019. Ngay sau đại dịch Covid-19, dòng kiều hối đã nhanh chóng tăng trở lại, năm 2022 đạt 18 tỉ USD.

"Trong thời gian tới, có thể dự báo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phát triển về quy mô, vị thế chính trị, kinh tế, xã hội. Nguồn lực kiều bào còn tiềm năng lớn chưa được khai thác. Cùng với sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và các nước, nhiều người thuộc thế hệ trẻ mong muốn gắn bó với cội nguồn, tìm kiếm cơ hội làm việc, kinh doanh tại Việt Nam", ông Anh nhấn mạnh.

Cần có chính sách thu hút nguồn lực kiều hối vào TP.HCM
Các đại biểu góp ý giải pháp thu hút kiều hối về Việt Nam.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, trong giai đoạn 10 năm (2012 - 2021), nguồn kiều hối chuyển về thành phố tăng trưởng đều đặn từ 4,1 tỷ USD năm 2012 lên 6,6 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, tổng số kiều hối của Việt Nam tăng tương ứng là 10 tỷ USD năm 2012 lên 18,1 tỷ USD vào năm 2021.

Riêng năm 2022, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối với 6,6 tỷ USD và trong quý I/2023 lượng kiều hối về thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực với gần 2,2 tỷ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối chuyển về thành phố luôn chiếm tỷ trọng cao so với cả nước. Theo ông Lệnh, ngoài cơ chế, chính sách thu hút kiều hối của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, vai trò và vị trí của thành phố là trung tâm kinh tế lớn của cả nước có tác động quan trọng, thu hút nguồn kiều hối chuyển về.

“Cần tiếp tục củng cố và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM. Trong đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư, nguồn kiều hối chuyển về để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, lĩnh vực công nghệ; phát triển kinh tế xanh”, ông Lệnh nói.

Góp ý trực tuyến, GS. Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Mỹ dự báo, thời gian tới kiều hối gửi về giúp người thân sẽ có xu hướng giảm. Thay vào đó, kiều bào chuyển kiều hối về Việt Nam để làm ăn, đầu tư bất động sản...

“Hiện nhiều kiều bào mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để có thể sở hữu nhà tại Việt Nam với quyền lợi như người Việt trong nước. Việt Nam là thị trường còn nhiều tiềm năng nên cần có chính sách tạo thuận lợi, hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư”, ông Phú cho biết.

Ông Bùi Việt Khôi, Tham tán khoa học công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc cho biết, quốc gia này có 350.000 người Úc gốc Việt, phần lớn kiều bào đều có trình độ, thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung. Do đó, việc thu hút kiều hối ở các nước phát triển, trong đó có Úc là hết sức quan trọng.

Ông Khôi cho biết, thời gian gần đây, kiều hối giúp người thân có xu hướng giảm, thay vào đó, kiều bào chuyển kiều hối về Việt Nam để làm ăn, đầu tư bất động sản... nhộn nhịp hơn. Đây là những khoản tiền nhàn rỗi nên họ mong được đầu tư và có hiệu quả cao nhất có thể mua nhà tại Việt Nam hay đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để tiếp tục mở rộng và thu hút nguồn kiều hối, TP.HCM cần tiếp tục khai thác tốt yếu tố trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục hàng đầu của cả nước. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về đầu tư và phát triển kinh doanh tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.