TP.HCM: Vận hành Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế Cách kiểm tra thông tin chủ thuê bao di động các nhà mạng Rộ chiêu trò lừa đảo, mạo danh ngân hàng: Tuyệt đối không truy cập vào đường link lạ

Ngày 16/5, tại TP.HCM, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò của Khu Công nghệ cao trong chiến lược phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đến năm 2030”.

Tham dự toạ đàm có các đại diện lãnh đạo Ban quản lý SHTP, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội). Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP cho biết, SHTP đã hoàn thành giai đoạn thu hút nguồn đầu tư nước ngoài. Đến nay SHTP đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào SHTP, tỷ lệ lấp đầy hơn 85%. Trong giai đoạn tới, SHTP tiếp tục tập trung xây dựng nhân lực nội sinh.

“Để phát triển nhân lực nội sinh việc củng cố phân khu khoa học công nghệ, không gian khoa học công nghệ là hết sức quan trọng. Tiếp tục mở rộng quy mô của phân khu này nhằm đẩy mạnh hoạt động các dự án của phân khu và phát triển SHTP lên tầm cao mới, trở thành khu công nghệ cao hoạt động theo mô hình “Khu Công viên Khoa học và Công nghệ”, ông Thi cho biết.

Đến năm 2045 SHTP trở thành tiểu khu đô thị khoa học và công nghệ
Ông Nguyễn Anh Thi phát biểu tại toạ đàm.

Theo ông Thi, việc hoạt động theo mô hình “Khu Công viên Khoa học và Công nghệ" sẽ giúp sự tương tác của các phân khu chức năng trở nên chặt chẽ hơn. Mục tiêu đến năm 2030, SHTP phải nâng cấp mình lên trở thành Khu Công viên Khoa học và Công nghệ đúng nghĩa. Tầm nhìn đến năm 2045 trở thành tiểu khu đô thị khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo phía Đông TP.HCM.

Báo cáo tại toạ đàm, ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, hiện nay phần lớn các dự án thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ Đà Nẵng là ở lĩnh vực sản xuất, nhà xưởng cho thuê và hậu cần logistics, số lượng dự án đầu tư ở lĩnh vực nghiên cứu – phát triển chỉ chiếm 17,24% trong tổng số dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư.

Bên cạnh đó, trong 29 dự án được cấp thì chỉ mới có 11 dự án đi vào hoạt động. Các dự án còn lại ở giai đoan chuẩn bị đầu tư, trong đó có 2 dự án đang trình báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng xem xét thu hồi và tiếp tục triển khai công tác hậu kiểm rà soát đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư nhưng chậm/chưa đầu tư.

Đến năm 2045 SHTP trở thành tiểu khu đô thị khoa học và công nghệ
Ông Trần Văn Tỵ báo cáo tại toạ đàm.

Cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng về cơ bản đã được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, tuy nhiên phân khu ở cho chuyên gia chưa được đầu tư; không có cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi của các nhà khoa học, chuyên gia, người lao động tại khu công nghệ cao. Do vậy, khả năng thu hút và hình thành hệ sinh thái đô thị vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Tỵ kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) rà soát các quy định về đầu tư và các quy định về KH&CN để có sự thống nhất, sớm hướng dẫn cụ thể đối với tiêu chí thu hút đối với từng loại hình dự án vào Khu Công nghệ cao, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết và chế tài đối với các nhà đầu tư không thực hiện theo quy định và theo cam kết. Quy định chế độ báo cáo của dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao làm cơ sở để giám sát việc đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi tại Khu Công nghệ cao.

Tại toạ đàm, các nhà khoa học cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò của khu công nghệ cao trong chiến lược phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo thì cần phải sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan để phù hợp để có thể đáp ứng và thích ứng tốt với những yêu cầu mới, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo trong đầu tư, sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, rà soát, tháo gỡ các rào cản nhằm tăng số lượng và quy mô của quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, khuyến khích được doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư cho các công nghệ mới, tiên tiến đồng thời có cơ chế trong hỗ trợ, hợp tác để doanh nghiệp có thê làm chủ công nghệ và sử dụng hiệu quả từ công nghệ đầu tư.

Có cơ chế nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại của khu vực doanh nghiệp mà còn cho phép doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích ứng, chuyển đổi khi đối tác có yêu cầu cao về sản phẩm, chất lượng hay phải chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm mới, nghành hàng mới.