Thế giới ấn tượng với tăng trưởng kinh tế Việt Nam 85,4% dòng thuế trong ACFTA dự kiến được xóa bỏ thuế quan tới năm 2027

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hội nghị bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACPC) lần thứ 3 mới được tổ chức với chủ đề “Xây dựng thị trường ASEAN công bằng và sẵn sàng cho tương lai người tiêu dùng.”

ASEAN cam ket tang cuong bao ve nguoi tieu dung hinh anh 1
Việt Nam tham dự cuộc họp lần thứ 24 của Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN trực tuyến từ ngày 17-19/5. (Nguồn: moit.gov.vn)

Hội nghị đã thu hút sự tham dự của nhiều cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, hiệp hội người tiêu dùng, tổ chức quốc tế, nhà nghiên cứu, đại diện khu vực tư nhân cũng như công chúng trong và ngoài khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu khai mạc, Phó tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế Satvinder Singh khẳng định rằng hội nghị diễn ra đúng lúc trong bối cảnh ASEAN đang giải quyết các vấn đề nổi cộm từ sự ra đời của nền kinh tế kỹ thuật số và sự gia tăng thương mại xuyên biên giới.

Theo Phó tổng thư ký Satvinder, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang thúc đẩy ASEAN tập trung vào thương mại điện tử, giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp và khách hàng (B2C) và thúc đẩy tiêu dùng trong ASEAN.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP) Moe Moe Thwe cho rằng thế giới đang trong một kỷ nguyên mới, trong đó những mối quan tâm về bảo vệ người tiêu dùng được đặt ra ngày càng gay gắt.

Theo ông Thwe, ASEAN cần thúc đẩy thực hiện các sáng kiến và kế hoạch hành động, phát triển phong trào người tiêu dùng và truyền cảm hứng cho thế hệ người tiêu dùng có hiểu biết tốt mới nhằm ứng phó với các thách thức của nền kinh tế mới, bảo vệ môi trường và Trái đất cho các thế hệ tương lai.

Trong khi đó, Cục trưởng Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) Philippines, bà Ann Claire C. Cabochan cho rằng dù người tiêu dùng ASEAN đã được trao quyền tương đối, thách thức đối với việc bảo vệ những người tiêu dùng mới và toàn cầu vẫn tiếp diễn.

Theo bà Ann Claire, khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đòi hỏi các nước phải trao quyền hơn nữa cho người tiêu dùng, lập kế hoạch chung giải quyết các thách thức nói trên để xây dựng một thị trường ASEAN công bằng và sẵn sàng cho tương lai.

ACPC lần thứ 3 bao gồm ba phiên thảo luận chuyên đề về thiết lập nền tảng cho chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện ở ASEAN; hướng tới “bình thường mới” trong giải quyết các tranh chấp B2C ở ASEAN; và trao quyền cho người tiêu dùng - tăng cường phong trào người tiêu dùng ASEAN.

Hội nghị cũng công bố một số công cụ nhằm tăng cường kiến thức về quyền của người tiêu dùng và tiêu dùng bền vững, cũng như hỗ trợ người tiêu dùng trực tuyến giải quyết các vấn đề, trong đó có Nền tảng khiếu nại khu vực ASEAN, Bộ công cụ hướng dẫn tiêu dùng bền vững ASEAN.

ACPC lần thứ 3 do DTI Philippines, ACCP và Ban thư ký ASEAN đồng tổ chức, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ người tiêu dùng khu vực ASEAN (PROTECT).”/.

Theo Hữu Chiến/TTXVN/Vietnam+

https://www.vietnamplus.vn/asean-cam-ket-tang-cuong-bao-ve-nguoi-tieu-dung/803008.vnp