Bình tĩnh, khéo léo chèo lái là bí quyết giúp doanh nghiệp vượt khó
Thị trường trái phiếu tồn tại nhiều điểm mù về thông tin, gây bất lợi đến các trái chủ Khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn Kỳ vọng khơi thông ách tắc với thị trường bất động sản |
Nhiều khó khăn bủa vây
Tại Hội thảo công bố “Báo cáo Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI thông tin, từ năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng.
Dịch bệnh đã khiến cho 87% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực và hết sức tiêu cực. Dễ thấy là nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có doanh thu sụt giảm, kinh doanh thua lỗ tăng mạnh so với các năm trước. Cụ thể, năm 2019, có 61,1% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi và 27,1% doanh nghiệp bị thua lỗ. Tuy nhiên, sang đến năm 2020, tỷ lệ này giảm hẳn, chỉ còn 53,2% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi và 32,1% doanh nghiệp bị thua lỗ.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, nhà quản lý đã cùng nhau thảo luận về những kinh nghiệm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Dẫn chứng về những ảnh hưởng từ dịch ngay tại đơn vị, bà Đinh Hoài Giang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Secoin chia sẻ, Covid-19 đã tác động rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Thời điểm ảnh hưởng lớn nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội. Thời điểm này đã làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Để “vượt sóng”, không ít ý kiến cho rằng, điều quan trọng nhất là bản lĩnh của người làm chủ. Nói cách khác, trong giai đoạn khó khăn, người đứng đầu cần bình tĩnh, chèo lái con thuyền vượt sóng, từ đó lựa chọn quyết định hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp. |
Đáng nói, theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Secoin ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát, sản xuất của doanh nghiệp gần như trở lại bình thường, nhưng năm 2022 thì lại gặp khó khăn khác, đó là lạm phát trên toàn thế giới tăng cao và khủng hoảng năng lượng. Những tác động ngoại cảnh này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá logistics.
Lấy ví dụ, trước đây, nếu một container xuất khẩu đi Mỹ có giá vận chuyển chỉ 5.000-6.000 USD, nhưng khi lạm phát và giá xăng, dầu tăng, thì giá vận chuyển tăng lên tới 15.000 USD. Giá tăng cao đột biến nhưng cũng không có container rỗng để chở đi, khiến nhu cầu khách hàng giảm sâu.
Với những thị trường gần, đại diện Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Secoin chia sẻ, hiện đơn vị cũng vấp phải những khó khăn nhất định. “Ở thị trường Nhật Bản, chúng tôi đối mặt với sự mất giá của đồng Yên. Và số lượng đặt hàng từ thị trường Nhật Bản giảm nghiêm trọng trong năm 2022, do ảnh hưởng bởi lạm phát và đồng Yên mất giá 30%”, bà Đinh Hoài Giang chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, việc doanh nhân nữ có sự gia tăng về số lượng, chất lượng và cả quy mô là không thể phủ nhận. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Chia sẻ thêm về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải thời gian này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến Nông sản Bảo Minh - Bùi Thị Hạnh Hiếu cho biết, hiện chi phí phát sinh trong 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 khiến tài chính nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả đơn vị của bà đối mặt với cảnh kiệt quệ. Hệ lụy nhãn tiền là hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn về nguồn vốn để dự trữ hàng Tết.
“Vượt sóng” cách nào?
Theo nhiều chủ doanh nghiệp, ngoài những thực trạng đã nêu, trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng đang gặp khó khăn về tiếp cận chính sách hỗ trợ, tín dụng. Chỉ ra vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, việc doanh nhân nữ có sự gia tăng về số lượng, chất lượng và cả quy mô là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, hiện nay kinh tế đất nước đang trong quá trình hồi phục sau dịch, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải đối mặt với 4 khó khăn chính gồm: Tìm kiếm khách hàng; tiếp cận vốn tín dụng; biến động thị trường; tìm kiếm nhân sự phù hợp.
Để giúp các doanh nghiệp do nữ làm chủ, đại diện VCCI và Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị, các địa phương cần có ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét đưa vấn đề tạo thuận lợi và thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển vào trong Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đẩy mạnh cải cách tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, thuế, phí...
Bà Đinh Hoài Giang – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Secoin chia sẻ kinh nghiệm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đinh Hoài Giang – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Secoin cho rằng, bên cạnh những chính sách kể trên thì bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần có sự điều chỉnh và thích ứng. Nói cách khác, doanh nghiệp cũng giống như một con thuyền, nếu gặp sóng lớn mà chỉ ngồi yên, thì có thể bị sóng nhấn chìm hoặc bị tụt lại phía sau. “Công ty luôn tìm cách thích nghi với nghịch cảnh, tăng cường chuyển đổi số và tìm kiếm thị trường mới để vượt sóng...”, bà Đinh Hoài Giang nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm “vượt sóng” của doanh nghiệp Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến Nông sản Bảo Minh - Bùi Thị Hạnh Hiếu cho rằng, để vượt khó khăn, điều quan trọng nhất là bản lĩnh của người làm chủ, người đứng đầu doanh nghiệp.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu cũng nêu quan điểm, để vượt qua được giai đoạn “sóng gió” này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của cơ quan chức năng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại chi phí, sản phẩm để tập trung vào những sản phẩm mũi nhọn, nhằm gia tăng lợi nhuận, vượt qua khó khăn.
Bình luận