Hà Nội: Năm 2022 hoàn thành 1.340.000 m2 sàn nhà ở Từ quý 1.2023, thị trường bất động sản sẽ thoát đáy

Thêm các quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội

Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phát biểu tại cuộc họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện việc triển khai xây dựng Dự án Luật Nhà ở theo đúng quy định pháp luật: xây dựng chính sách, thực hiện lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, các nhà khoa học; tổ chức nhiều hội thảo để trao đổi lấy ý kiến và học tập kinh nghiệm quốc tế.

Sau hơn 8 năm thi hành, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, bên cạnh đó nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai nên Luật Nhà ở năm 2014 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, việc bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh, giải quyết một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn là cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển nhà ở trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Bổ sung quy định về hình thức phát triển nhà ở xã hội
Ảnh minh họa. (Ảnh: VGP)

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung thêm các quy định về: Hình thức phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư; thời điểm thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương. Đặc biệt, so với Luật Nhà ở năm 2014, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung 2 mục quy định về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Trong đó về chính sách nhà ở xã hội, Dự thảo Luật giữ nguyên các quy định trong Luật hiện hành như: Tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà ở xã hội; chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa để ở; hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa để ở.

Đồng thời, kế thừa một số quy định trong Luật hiện hành và sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về: Đối tượng, hình thức và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội.

Còn nhiều bất cập

Theo Bộ Xây dựng, việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; điều kiện kinh tế - địa lý của từng vùng, miền, địa phương và nhu cầu nhà ở thực tế của người dân.

Đồng thời, thiếu các mô hình dự án nhà ở xã hội quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đảm bảo cung cấp số lượng lớn nhà ở xã hội cho người dân tại các thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp; thiếu quy định về việc quản lý, sử dụng nguồn tiền thu được từ các chủ đầu tư được chấp thuận thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại các dự án.có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 10ha.

Quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chưa thống nhất với pháp luật về thuế, đầu tư, đầu tư công...

Đáng nói, quy định cứng phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng quỹ nhà ở xã hội để cho thuê để “trống”, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn. Ngoài ra, Luật Nhà ở hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về cách tính giá bán lại nhà ở xã hội sau một thời gian mua, thuê mua...