Cam kết phát triển xanh là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Tìm phương án chuyển đổi trung hoà carbon cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Khởi động giải thưởng “Hành trình xanh Asean - Asean Green Awards 2023” Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững |
Về bản chất là tự nguyện, nhưng thời gian gần đây, số lượng công trình xanh tại Việt Nam tăng nhanh. Đặc biệt, hiện nay, công trình xanh không chỉ là lợi thế của riêng các nhà phát triển bất động sản. Những doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác như sản xuất công nghiệp xuất khẩu, kinh doanh nhà hàng… đều có thể “ghi điểm” thêm cho phát triển bền vững từ công trình xanh.
Tại hội thảo “Bất động sản xanh và hướng dẫn áp dụng chứng chỉ công trình xanh tại Việt Nam”, ông Vũ Hồng Phong - Chuyên gia về công trình xanh của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh: Công trình xanh không chỉ khẳng định thương hiệu, lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm bất động sản trên thị trường. Nhìn rộng hơn, với các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp sinh thái, các công trình xanh mà còn đang trở thành lợi thế thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vì mang lại lợi ích trong việc vận hành và nền tảng phát triển chuỗi sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Công trình xanh không chỉ khẳng định thương hiệu, lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm bất động sản trên thị trường. (Ảnh minh họa: BT) |
Ngoài ra, công trình xanh là yếu tố của phát triển bền vững, nên khi đạt chứng nhận, trở thành người tiên phong, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn xanh, thu hút nguồn lực từ các quỹ đầu tư hay có nhiều lợi thế trong quảng bá sản phẩm, dịch vụ…
Theo ông Vũ Hồng Phong, tỷ lệ dự án công trình xanh trong các lĩnh vực may mặc, da giày đang ngày càng nhiều hơn. Khách hàng và chuỗi cung ứng là hai yếu tố mạnh mẽ nhất tạo áp lực khiến doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm triển khai công trình xanh, nhất là trong bối cảnh lợi thế về lao động không còn là yếu tố hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Khi doanh nghiệp đầu chuỗi đã xanh hoá quy trình sản xuất thì các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng, gia công sản phẩm cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu của hãng, trong đó có các tiêu chuẩn xanh. Không đáp ứng được đòi hỏi xanh, doanh nghiệp có thể dễ dàng mất đơn hàng. Điển hình cho câu chuyện này là tập đoàn sản xuất toàn cầu mang thương hiệu Nike đang có chuyển động mạnh mẽ theo hướng xanh hoá. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, nghỉ dưỡng bắt đầu có sự quan tâm đến công trình xanh. Các quỹ tài chính, quỹ đầu tư cũng vậy, mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
Nhiều nhà đầu tư đang dồn trọng tâm phát triển khu công nghiệp thông minh với tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, cơ sở vật chất, tiện ích đô thị để hút dự án xanh. Giám đốc tư vấn FPT Digital Vương Quân Ngọc nhận định: Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng vào Việt Nam trong điều kiện tăng trưởng xanh tạo cơ hội cho khu công nghiệp xanh phát triển. Nhiều nhà đầu tư đang dồn trọng tâm phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh với tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, cơ sở vật chất, tiện ích đô thị để thu hút dự án xanh.
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), đến cuối năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 396 công trình đạt chứng nhận xanh. Đa phần các dự án được chứng nhận thuộc phân khúc nhà ở (39,36%) và khu công nghiệp (34,12%). Trong năm 2024, tỷ trọng của khu công nghiệp và nhà ở được dự đoán vẫn chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, ở các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tỷ trọng phát thải lớn đang có xu hướng chuyển đổi toàn diện, đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan.
Chuyển đổi và phát triển bất động sản khu công nghiệp xanh không chỉ giúp thu hút và giữ chân khách hàng, mà còn giúp tối ưu hoạt động do tận dụng được các nguồn tài nguyên, nhiên liệu và công nghệ tích hợp,... trong khu công nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và ưu đãi đặc biệt từ các tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính cho dành cho các công trình xanh.
Bảo Thoa
Bình luận