Phát động Cuộc thi Giải thưởng Đồ án sinh viên tốt nghiệp xuất sắc lĩnh vực Kiến trúc Cảnh quan năm 2022 “Áo dành cho trẻ tự kỷ” đạt giải khởi nghiệp Sinh viên khởi nghiệp cần có sự hoạch định nghiêm túc

Khởi nghiệp theo trào lưu

Đến từ thành phố Lào Cao, Lê Khánh Linh (19 tuổi), sinh viên trường Cao Đẳng FPT đã có trong tay kha khá lần khởi nghiệp. Khi còn là học sinh, Linh từng kinh doanh giày qua mạng. Được một người bạn giới thiệu, Linh đã tìm được mối hàng để bán. Sau vài lần khách đặt, Linh đã dư chút lãi. Tuy nhiên, một lần do chưa có kinh nghiệm, Linh đã tư vấn sai kích cỡ cho khách hàng và hoàn toàn bối rối với quy trình đổi, trả.

“Do em đã mua của chủ hàng để gửi cho khách nhưng không đúng size cho nên hàng bị trả lại và phải đền bù. Số vốn ít ỏi mà em có đã bị đóng băng ở số hàng ế mà mãi không bán được. Quá chán nản nên em đã bỏ kinh doanh. Đó là bài học đầu tiên của em”, Khánh Linh tâm sự.

Cần có hành động cụ thể hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp
Lê Khánh Linh (19 tuổi), sinh viên trường Cao Đẳng FPT: Sau những thất bại, em thấy rằng, cái thiếu là hệ sinh thái để khởi nghiệp.

Linh cũng cho biết, lúc đó không có ai dạy cô kinh nghiệm phải xử lý thế nào. Bố mẹ cũng coi đó chỉ là trải nghiệm nên cũng không hỗ trợ thêm vốn. Hơn nữa là thời gian bán hàng phải online để tư vấn khá nhiều nên ảnh hưởng đến việc học tập. Chính vì vậy khi thấy con “thất bại”, bố mẹ Linh còn cảm thấy “mừng” vì sợ con sa đà kinh doanh, bỏ bê việc học.

Khánh Linh cũng từng trải qua nhiều công việc từ thời còn đi học như làm mẫu trang điểm, đóng phim sitcom. Hiện nay cô đang tập trung học lập trình tại FPT nhưng cô cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục khởi nghiệp một cách nghiêm túc hơn.

“Ban đầu em khởi nghiệp theo trào lưu mà chưa xác định được mất. Sau những thất bại, em thấy rằng, cái chúng em thiếu là hệ sinh thái để khởi nghiệp. Sau đó là kinh nghiệm, kiến thức, và vốn. Làm thế nào để khởi nghiệp với số vốn 0 đồng? Làm thế nào để khởi nghiệp với vốn ít? Hoặc làm thế nào tìm được nghề phù hợp để khởi nghiệp với thời gian của sinh viên? Đó là những điều mà chúng em mong muốn được hỗ trợ”, Linh nói.

Cũng như Khánh Linh, bạn Trần Khánh Huyền (20 tuổi), sinh viên Đại học Đà Nẵng cho biết, cô cũng theo trào lưu khởi nghiệp khi là sinh viên năm thứ nhất. “Lúc đó ở trong lớp có nhiều bạn đi làm thêm, có bạn bán hàng qua mạng và làm nhiều việc khác để kiếm tiền cho nên em cũng theo trào lưu này. Tuy nhiên lúc bắt đầu rồi mới thấy nhiều bất cập. Kinh nghiệm không có khiến cho em thất bại ngay từ lần đầu. Thất bại này khiến em bị ám ảnh một thời gian dài”, Khánh Huyền chia sẻ.

Vốn học được nghề trang điểm từ chị gái, Khánh Huyền quyết định khởi nghiệp với nghề này. Cô đã xin gia đình hỗ trợ số vốn 50 triệu đồng để mua mỹ phẩm, đồ trang điểm, làm tóc,… Ban đầu Khánh Huyền trang điểm cho các bạn sinh viên để đi chụp hình, sau đó nhờ dắt mối trang điểm cho những người đi sự kiện, biểu diễn.

Với tay nghề còn non nớt, số lượng khách hàng thuê trang điểm rất ít, không như lúc ban đầu Khánh Huyền “mộng tưởng”. Đã thế, thời gian chủ yếu lúc đêm khuya, sáng sớm, có lúc còn phải dậy từ 3 giờ sáng để đi trang điểm cho kịp giờ khách hàng đi sự kiện. Thời gian học tập bị ảnh hưởng khiến cô phải bỏ nghề. Số vốn 50 triệu đầu tư mỹ phẩm cũng không bán được cho ai.

“Cái dại của em là đầu tư quá lớn và ước mơ hão huyền. Lẽ ra em phải thử trước khi quyết định đầu tư, nhưng em quá tự tin và thất bại”, Khánh Huyền nói. Cô cũng cho rằng, sinh viên khởi nghiệp cần được tư vấn về quỹ thời gian, nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và thất bại khi không tập trung được vào nghề.

Cần có hành động cụ thể hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Chuyên gia khai vấn Đào Thúy Hoàn (Giám đốc Hãng Luật & Sở hữu trí tuệ Encolaws) cho rằng, nếu chỉ đơn thuần là có một công việc kinh doanh riêng như bán một mặt hàng nào đó online, hay đi làm công việc gì đó ngoài giờ học để có kinh nghiệm thực tế thì có lẽ chưa gọi là thực sự khởi nghiệp.

Cần có hành động cụ thể hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp
Cần có hành động cụ thể hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ câu chuyện của mình, chuyên gia Đào Thúy Hoàn cho biết: “Mặc dù tôi đã có 3 bằng đại học, 2 chứng chỉ hành nghề, biết 3 ngoại ngữ, từng làm việc ở các công ty nước ngoài và trong nước, từng ở một số quốc gia khác nhau nhưng quả thực khi khởi nghiệp tôi thấy quá nhiều thứ cần phải học để có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Hoạt động kinh doanh không giống những gì chúng ta học trên ghế nhà trường, vì thế để khởi nghiệp, các bạn sinh viên nên hiểu rằng cần có rất nhiều vũ khí mềm trang bị trước khi ra ngoài thực chiến”.

Theo chuyên gia Đào Thúy Hoàn, các bạn sinh viên cần hiểu rõ về mình và có định hướng đúng đắn trước khi lao ra khởi nghiệp để tránh thất bại. Nếu chỉ là do kinh doanh thua lỗ dẫn tới mất một số vốn nhỏ thì đó là thiệt hại nhỏ nhất và hoàn toàn có thể làm lại lần sau tốt hơn, vì các bạn đã có thêm trải nghiệm.

“Thất bại là khi các bạn có nỗi sợ hãi lớn hơn quyết tâm, không dám hành động, không dám bước ra khỏi vùng thoải mái của mình để dấn thân vào con đường khởi nghiệp, hoặc khi các bạn bị mất niềm tin vào khả năng của mình và vào người khác. Vì thế, trước khi khởi nghiệp, dù các bạn đang là sinh viên hay đã tốt nghiệp, để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai mà bắt đầu là hành trang khởi nghiệp. Theo kinh nghiệm của tôi, đó là: bản lĩnh vững vàng, hiểu biết pháp luật, trau dồi kiến thức, khiêm tốn học hỏi, chăm sóc sức khỏe, rèn luyện kỹ năng, chuẩn bị tài chính, xây dựng chiến lược, thiết lập mục tiêu, kế hoạch rõ ràng và hành động cụ thể”, chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Đồng thời bà Đào Thúy Hoàn cũng cho biết, khi khởi nghiệp thì nên bắt đầu từ vốn nhỏ, vì sinh viên chưa có kinh nghiệm, chưa trải qua những khó khăn trắc trở trong kinh doanh và cũng chưa có nhiều kiến thức để ứng phó với các tình huống bất như ý xảy ra. Vì thế khởi nghiệp cũng là một cách vừa làm vừa học, học qua trải nghiệm, học từ những tấm gương đi trước, học từ những thất bại và thành công của người từng trải, và học hỏi để phát triển bản thân, nâng cao hiểu biết mới có thể thành công.

Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai trong 4 năm. Đề án 1665 với mục tiêu là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, việc đưa các chuyên đề khởi nghiệp vào chương trình đào tạo theo hướng như thế nào để phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, tránh hình thức và tránh gây áp lực đối với sinh viên vẫn còn là dấu hỏi lớn. Cùng với đó, các cấp ngành, địa phương vẫn chưa cụ thể hóa việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, khiến cho hoạt động này vẫn còn là hình thức.

Bên cạnh đó, các đoàn thể xã hội vẫn chưa vào cuộc để sinh viên có cơ hội được tiếp cận với quá trình đào tạo, các khóa học khởi sự kinh doanh, đặc biệt là tiếp cận với nguồn vốn khởi nghiệp. Hiện nay, ngoài sự vào cuộc đồng bộ của ngành giáo dục và đào tạo hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp hội phụ nữ tại một số tỉnh, thành trên cả nước, thì việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp vẫn chưa được các cấp ngành quan tâm đúng mức. Trong thời gian tới, cần sự vào cuộc sát sao và cụ thể hơn từ các đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương, đặc biệt là trong hỗ trợ vốn.

Bảo Thoa