Cần gỡ vướng tiền hoàn thuế cho doanh nghiệp
Bộ Tài chính thông tin về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với gỗ, cao su Giảm trừ gia cảnh chịu thuế thu nhập cá nhân lạc hậu, không cập nhật giá cả, lạm phát |
Hoàn thuế VAT là vướng mắc được nhiều doanh nghiệp phản ánh trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành như gỗ, giấy, cao su liên tục phản ánh việc bị giam cả nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế trong thời gian dài khiến họ kiệt quệ.
Tại buổi đối thoại giữa Tổng cục Thuế với người nộp thuế năm 2024 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Fococev Việt Nam cho biết, kể từ năm 2018 đến nay, doanh nghiệp này không được hoàn thuế VAT với số tiền tổng cộng lên đến 529 tỷ đồng.
Buổi đối thoại giữa Tổng cục Thuế với người nộp thuế năm 2024. |
“Vốn doanh nghiệp chỉ hơn 100 tỷ đồng nhưng tiền hoàn thuế VAT chưa hoàn lên đến vài trăm tỷ đồng. Cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải xác minh từ họ tên tài xế, số căn cước công dân, số hiệu xe, trọng tải… thì doanh nghiệp rất khó đáp ứng. Rất mong cơ quan thuế xem xét, hoàn thuế sớm cho doanh nghiệp. Nếu kê khai sai, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Thanh Phương nói.
Không riêng doanh nghiệp trong nước, đại diện Công ty TNHH MTV Sigma cũng nêu lên một số bất cập liên quan đến việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp nước ngoài. Theo vị này, việc hoàn thuế VAT đối với doanh nghiệp nước ngoài những năm gần đây rất chậm. Thậm chí, chậm hơn so với cách làm bằng giấy, trong khi đó Tổng cục Thuế nói đã chuyển đổi số, có dữ liệu trên hệ thống, giúp doanh nghiệp làm thủ tục dễ dàng hơn. Điều này gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.
Đại diện Sigma kiến nghị Tổng cục Thuế cần phân loại hồ sơ hoàn thuế luồng xanh, vàng, đỏ như ngành hải quan. Công tác hậu kiểm cũng rất lâu, nên hoàn thuế trước và hậu kiểm sớm. Nếu khi hậu kiểm phát hiện sai sót thì có thể truy thu hoàn ngay, vì doanh nghiệp rất cần tài chính quay vòng để sản xuất kinh doanh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, có khoảng 80% doanh nghiệp đang đề nghị hoàn trước. Từ tháng 10/2023, Tổng cục Thuế đã triển khai toàn bộ tiêu chí và hệ thống phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động, theo đó phân loại ngưỡng rủi ro để xác định người nộp thuế thuộc trường hợp hoàn thuế trước (6 ngày làm việc), kiểm tra trước (40 ngày).
Qua rà soát thực tế phát sinh nhiều trường hợp người nộp thuế chuẩn bị chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định, kê khai chưa chính xác thông tin trên hồ sơ. Hiện cơ quan thuế đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử. Người nộp thuế cần kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, kiểm soát đầu vào, chủ động phát hiện hóa đơn đầu vào không đáp ứng đủ điều kiện khấu trừ, hoàn thuế trước khi gửi hồ sơ hoàn thuế đến cơ quan thuế, giảm thời gian cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ và người nộp thuế phải giải trình bổ sung thông tin.
Cùng với hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp, hoàn thuế thu nhập cá nhân cũng đang phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Riêng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh còn tồn đọng 26.094 hồ sơ đang xử lý theo quy trình. Theo số liệu của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã tiếp nhận tổng cộng 174.478 hồ sơ đề nghị hoàn thuế thu nhập cá nhân, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương tăng 48.255 hồ sơ.
Lý giải nguyên nhân một số trường hợp chậm giải quyết hoàn thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cho biết là do người nộp thuế nộp quyết toán sai cơ quan thuế, khai thiếu thu nhập chịu thuế, khai sai thời gian giảm trừ người phụ thuộc hoặc khai người phụ thuộc không đủ điều kiện giảm trừ, khai thiếu các khoản bảo hiểm bắt buộc được trừ. Bên cạnh đó có trường hợp khai sai số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ/đã tạm nộp trong năm so với dữ liệu do cơ quan thuế tổng hợp hoặc cung cấp thiếu chứng từ khấu trừ thuế/nộp thuế thu nhập cá nhân...
Ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, số lượng lớn nội dung vướng mắc của các doanh nghiệp và người nộp thuế cho thấy vấn đề chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế vẫn đang là vấn đề “nóng” đối với cơ quan thuế. Vì vậy, các đơn vị thuế phải nhìn rõ, nhìn thẳng thắn vào những hạn chế trong công tác chuyển tải đến doanh nghiệp và người nộp thuế về các quy định pháp luật và thủ tục hành chính về lĩnh vực thuế. Từ đó, đưa ra giải pháp tuyên truyền phù hợp, những cải cách phù hợp với thực tiễn để mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ” không phải chỉ tồn tại trên các ấn phẩm tuyên truyền, mà phải len lỏi vào cuộc sống và đến được với người nộp thuế một cách thực chất, hiệu quả nhất.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe một cách cầu thị nhất những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp và người nộp thuế. Qua đó tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp quản lý thuế, hoàn thiện cơ chế, chính sách, không ngừng cải cách, hiện đại hóa và chuyển đổi số một cách toàn diện, xây dựng môi trường quản lý thuế công khai, minh bạch, công bằng với mục tiêu tạo sự thuận lợi cao nhất cho người nộp thuế và sự phối hợp, đồng hành, đồng thuận cao nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành thuế cũng mong muốn nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế đối với những thách thức cơ quan thuế đang phải đối mặt trước thực trạng gian lận về hóa đơn, về hoàn thuế; thủ đoạn trốn, tránh thuế ngày càng tinh vi đã phần nào ảnh hưởng cả tới những người nộp thuế tuân thủ tốt, chấp hành pháp luật thuế.
Hiện cơ quan thuế đang khẩn trương nghiên cứu và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để phát hiện sớm những hành vi gian lận, trốn, tránh thuế, từ đó hướng tới môi trường hóa đơn sạch; áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc trả lời vướng mắc tự động; và chấm điểm sự hài lòng của người nộp thuế đối với cơ quan thuế. Từ đó đem lại sự công bằng cho những người nộp thuế có ý thức tuân thủ cao, chấp hành tốt pháp luật thuế, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh lành mạnh, minh bạch.
Bảo Thoa
Bình luận