Cân nhắc giải pháp áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn
Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng Hoàn thuế giá trị gia tăng đối với đầu tư kinh doanh có điều kiện Cách kiểm tra thông tin chủ thuê bao di động các nhà mạng |
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” được Bộ Tài chính tổ chức ngày 18/4, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, nếu Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, chúng ta sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó sẽ tăng thu ngân sách nhà nước.
Trong trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó.
Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn mức tối thiểu thì sẽ thu thêm được thuế thu nhập doanh nghiệp từ những doanh nghiệp này, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước.
Theo dữ liệu, thông tin thống kê sơ bộ từ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp toàn cầu thì hiện có khoảng 1.017 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó có khoảng ít nhất trên 100 doanh nghiệp lớn có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024 (sau khi đã loại trừ các trường hợp không phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu).
Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 12 - 20 nghìn tỷ đồng.
Hội thảo khoa học “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” |
Theo ông Đặng Ngọc Minh, cần bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng tại Việt Nam theo lộ trình. Theo đó, cần bổ sung quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước và áp dụng từ ngày 1/1/2024.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp khác thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).
Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, theo ông Đặng Ngọc Minh, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.
Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Để thực hiện được chương trình hỗ trợ nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, ưu đãi thuế vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Khi Việt Nam áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở cả tính hồi tố với các tập đoàn lớn thuộc điều chỉnh thuế suất tối thiểu và cả các tập đoàn mới chuẩn bị chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.
Nếu Việt Nam không ban hành mức thuế tối thiểu, vẫn để ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện hành thì các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng thuế này, vẫn phải nộp bổ sung phần chênh lệch thuế suất thấp tại Việt Nam với thuế suất 15% về Hàn Quốc.
Do đó, Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu, nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích để vừa đảm bảo quyền đánh thuế, vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang, sẽ kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác như một số nước trong khu vực đang áp dụng.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, nên thực hiện quyền đánh thuế và chủ động trong thực hiện. Về hướng dẫn thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, cần phải tham khảo kinh nghiệm các nước. Cần có cơ chế chính sách, để bù đắp phần nào những thiệt thòi ngắn hạn của các doanh nghiệp FDI khi phải bổ sung phần thuế không nhiều đó.
Đối với chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, cần phải thực hiện theo 4 nguyên tắc cụ thể: cần phải đạt chuẩn của OECD; tránh hỗ trợ theo hình thức cào bằng, phải gắn với từng lĩnh vực, quy mô và công nghệ; phải khả thi trong hỗ trợ; cũng như phải phù hợp với chiến lược đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần phải rà soát, sửa đổi một số luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các Luật về Thuế, đồng thời, chủ động nâng cao năng lực nội địa, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; sớm kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý thuế.
Bảo Thoa
Bình luận