Cân nhắc tác động của việc bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo thông tin tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện Luật Thuế TTĐB sửa đổi do VCCI tổ chức, dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi tập trung vào các nhóm vấn đề như: Đối tượng chịu thuế; đối tượng không chịu thuế; căn cứ tính thuế; giá tính thuế; thuế suất; hoàn thuế, khấu trừ thuế; giảm thuế; thời điểm xác định thuế TTĐB.
Trong đó, về đối tượng chịu thuế, dự thảo Luật quy định 11 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ chịu thuế TTĐB. Đáng chú ý, dự thảo bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức bảo vệ sức khỏe và Bộ Y tế.
Toàn cảnh Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: Đinh Luyện |
Với bia rượu, dự thảo quy định thuế suất theo tỷ lệ % tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO. Với nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, dự thảo đề xuất 10% do đây là mặt hàng mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thuế TTĐB là một dự thảo luật rất quan trọng. Đối với các ngành hàng, đối với các doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng của Luật tới các ngành nghề rất lớn và cũng là dự Luật được nhiều cơ quan, ban, ngành quan tâm. Quá trình soạn thảo Luật thuế TTĐB là một công việc rất khó khăn, ngày càng nhiều thách thức xuất phát từ việc bổ sung mặt hàng chịu thuế mới, tăng thuế… Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc đưa ra một chính sách thuế phải cân nhắc đến sức chịu đựng của các doanh nghiệp, của ngành hàng và nhất là lợi ích cuối cùng của một sắc thuế.
Bình luận