Giảm trừ gia cảnh chịu thuế thu nhập cá nhân lạc hậu, không cập nhật giá cả, lạm phát Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có quy định về bình ổn giá

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, với phương tiện kinh doanh vận tải phải đảm bảo điều kiện có thiết bị giám sát hành trình là cần thiết, luật hóa quy định Nghị định số 10/2020 để giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, hành vi vi phạm của hành khách và các vi phạm về giao thông vận tải đường bộ.

Dữ liệu giám sát hành trình là dữ liệu rất quan trọng và phải được chuyển về trung tâm giám sát của cơ quan chức năng theo thời gian phục vụ công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng còn khá rộng.

“Điểm c khoản 1 Điều 33 về điều kiện tham gia giao thông có quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh của người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm an toàn theo quy định.

Chỉ nên bắt buộc lắp camera hành trình với phương tiện kinh doanh vận tải
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn tỉnh Bình Phước). Ảnh: Quốc hội

Quy định như vậy có thể hiểu tất cả các loại xe, bao gồm cả xe cá nhân, không loại trừ xe thuộc các trường hợp có quy định riêng của Đảng, Nhà nước đều phải gắn giám sát hành trình. Đề nghị cần phải cân nhắc tính phù hợp và thống nhất giữa luật này với các luật khác cũng như các quy định, các điều khoản có liên quan theo hướng chỉ quy định giám sát hành trình đối với ôtô kinh doanh, hợp đồng vận tải, xe khách, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn tỉnh Bình Phước) cơ bản thống nhất với quy định cơ sở dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình sẽ được Trung tâm chỉ huy giao thông do Cảnh sát giao thông quản lý vận hành khai thác, nhằm mục đích điều hành giao thông, giải quyết tai nạn, xử lý vi phạm và phòng chống tội phạm.

Theo đại biểu, tính đến tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ôtô và 73 triệu môtô, xe máy đang lưu hành. Nếu dự thảo Luật này được Quốc hội thông qua, sẽ có đến hàng chục triệu xe máy bắt buộc phải gắn các thiết bị giám sát hành trình, việc này khó bảo đảm tính khả thi.

“Hiện nay tại nhiều quốc gia phát triển, người dân không lắp đặt camera hành trình để chứng minh một sự trong sạch, thay vào đó cơ quan chức năng phải chứng minh chủ xe vi phạm giao thông thì mới được xử phạt. Vẫn chưa có đất nước nào quy định bắt buộc xe máy phải lắp camera hành trình”, đại biểu nói.

Cũng theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, việc yêu cầu lắp các thiết bị dữ liệu, hình ảnh người lái xe cũng vi phạm quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của công dân. Đồng thời, nó sẽ liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng và các thiết bị phải được cấp phép. Việc lắp các thiết bị này sẽ can thiệp vào hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đại biểu phân tích, quy định bắt buộc là khó khả thi, bởi số lượng xe máy quá lớn và khó quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, thu nhập bình quân của người dân còn thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Việc mua được xe máy để đi đã là một điều khó khăn, giờ lại phải cộng thêm một khoản chi phí để lắp camera hành trình cũng cần phải xem xét lại.

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo chỉ quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải như quy định hiện hành và quy định cụ thể hơn về Trung tâm tích hợp, phân tích dữ liệu để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, tránh lãng phí. Đối với xe ôtô cá nhân và xe máy, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình và cơ quan quản lý nhà nước nên tổ chức thí điểm và có lộ trình phù hợp để tránh gây hiệu ứng ngược”, đại biểu nhấn mạnh.

Chỉ nên bắt buộc lắp camera hành trình với phương tiện kinh doanh vận tải
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hoà Bình). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn tỉnh Hoà Bình) cũng đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện có thiết bị giám sát hành trình thiết bị, thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu hình ảnh, đảm bảo an toàn hành trình theo quy định.

“Việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới, gồm cả xe môtô, xe gắn máy rất rộng và khó đảm bảo tính khả thi trên thực tiễn, có thể gây lãng phí, khó khăn cho người tham gia giao thông, nhất là những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, họ đã phải cố gắng để mua được một chiếc xe, có thể đó là những chiếc xe cũ.

Chính vì vậy, việc bỏ kinh phí để mua thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh sẽ tạo khó khăn cho người lái xe. Vì vậy, nên khuyến khích tập trung vào một số loại phương tiện, đặc biệt là các phương tiện giao thông vận tải kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, pháp luật hiện hành mới chỉ quy định xe ôtô kinh doanh vận tải từ 9 khách trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi lại, lưu giữ toàn bộ hình ảnh trên xe trong quá trình xe tham gia giao thông”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu rõ.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn tỉnh Lào Cai) cũng đề nghị cân nhắc kỹ nội dung trên vì sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật của người dân khi phải trang bị thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện cá nhân của mình mà chi phí mức độ an toàn, bảo mật chưa được đánh giá kỹ.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, quy định này có khả năng ảnh hưởng đến quyền bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu theo hướng chỉ áp dụng đối với loại hình phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải, các phương tiện khác còn lại thì khuyến khích tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện.