Chuyển đổi số, nông dân miền núi bán hàng online hiệu quả Gần 500 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nền tảng số Make in Việt Nam Gần 60.000 Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nắm bắt cơ hội triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, áp dụng mô hình nhà máy thông minh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu và nâng cao uy tín sản phẩm hàng hóa Việt Nam…

Giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.
Giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Xu hướng tất yếu, hiệu quả rõ rệt

Là doanh nghiệp hoạt động chính ở lĩnh vực thiết kế-chế tạo, chuyển giao máy móc, thiết bị cơ khí chính xác và tự động hóa công nghiệp; cung cấp các giải pháp tự động hóa…, ngay từ những ngày đầu thành lập hơn 15 năm trước, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật-thương mại Nhất Tinh (Công ty Nhất Tinh) ở Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng các phần mềm tự động trong thiết kế và gia công cơ khí (CAD/CAM).

Trong tiến trình chuyển đổi số, ngoài ứng dụng những phần mềm chuẩn có sẵn trên thị trường, Công ty Nhất Tinh đã thuê một công ty phần mềm xây dựng bộ quy trình quản trị nội bộ. Sau khoảng sáu năm, hầu như các phòng, khâu chuyên môn của công ty đều hoạt động dựa trên nền tảng chuyển đổi số, như: Hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp; phần mềm quản lý thiết kế; phần mềm quản lý dự án và liên kết hoạt động các phòng-ban; phần mềm kế toán…

Giám đốc Công ty Nhất Tinh Lê Anh Tuấn cho biết, việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp tăng hiệu quả trong phối hợp thiết kế; thiết kế và cải tiến sản phẩm nhanh; quản lý dữ liệu thiết kế khoa học và có tính bảo mật cao; tăng khả năng phối hợp chuẩn xác giữa các bộ phận nhằm hoàn thành kế hoạch đúng hạn, hạn chế thấp nhất sai sót, nâng cao năng suất và chất lượng trong sản xuất... Công ty Nhất Tinh đã được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ hơn bốn năm qua và hướng phát triển chủ lực của doanh nghiệp là cung cấp các giải pháp tự động và thông minh cho khách hàng trong ngành sản xuất công nghiệp. Do vậy, việc nâng cấp áp dụng các công cụ số tiên tiến là điều tất yếu.

Việc ứng dụng chuyển đổi số đã giúp tăng hiệu quả trong phối hợp thiết kế; thiết kế và cải tiến sản phẩm nhanh; quản lý dữ liệu thiết kế khoa học và có tính bảo mật cao; tăng khả năng phối hợp chuẩn xác giữa các bộ phận nhằm hoàn thành kế hoạch đúng hạn, hạn chế thấp nhất sai sót, nâng cao năng suất và chất lượng trong sản xuất...

Giám đốc Công ty Nhất Tinh Lê Anh Tuấn

Cùng lĩnh vực chế tạo, Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh (Công ty Duy Khanh) ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí chính xác hiện nay. Hơn 30 năm qua, Công ty Duy Khanh chuyên thiết kế và chế tạo khuôn mẫu, phụ tùng máy, máy chuyên dùng..., đã và đang từng bước tiếp cận mô hình sản sản xuất mới. Đây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp này xây dựng được đội ngũ kỹ sư nhiều kinh nghiệm; dây chuyền, thiết bị, máy móc hiện đại, điều khiển bằng chương trình số.

Hiện, Công ty Duy Khanh đang xây dựng thêm nhà máy tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) vốn đầu tư hơn 180 tỷ đồng với nhiều thiết bị hiện đại. Sản phẩm của nhà máy này chủ yếu sẽ được tiêu thụ trong nước, thay thế các sản phẩm lâu nay các đối tác phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan...

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Duy Khanh Đỗ Phước Tống cho biết: “Bảy năm trước, công ty đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, việc chuyển đổi số ở Duy Khanh vẫn chưa đạt được như kỳ vọng và chúng tôi đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, hướng đến mô hình sản xuất thông minh”.

Ở lĩnh vực chế biến, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công nghệ thông tin, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho biết: “Hệ thống SATRA có khá nhiều doanh nghiệp và nhà máy chuyên sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm và chúng tôi cũng vừa thành lập Ban Chuyển đổi số để tận dụng những tiến bộ mới của khoa học-công nghệ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Những năm gần đây, SATRA đã ứng dụng một số giải pháp công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất, kinh doanh, nhưng chưa thể gọi là thực hiện chuyển đổi số đầy đủ”.

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, lãnh đạo SATRA đặt ra yêu cầu là phải có và rất mong muốn có được một chiến lược tốt về chuyển đổi số để quy trình hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn nữa. Hiện, SATRA đang tìm kiếm nhà tư vấn để xây dựng chiến lược và đề án chuyển đổi số với lộ trình cũng như những việc cần làm cụ thể gắn với chiến lược sản xuất, kinh doanh để có hướng phát triển đúng đắn và bền vững hơn…

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn

Ông Lâm Quang Nam, đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, doanh nghiệp sản xuất của Thành phố Hồ Chí Minh có thuận lợi là nằm trên địa bàn có động lực chuyển đổi số và các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên phải chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tác. Để có bước phát triển đột phá, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp sản xuất cần xem xét, đánh giá khả năng chuyển đổi số trong lĩnh vực của mình. Doanh nghiệp phải tập trung cải thiện công nghệ sản xuất, sau đó là nâng cao năng lực quản trị…

Còn theo ông Đỗ Văn Long, CEO Công ty cổ phần Việt Nam Blockchain, hiện nay, tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm tem, nhãn sản phẩm ngày càng tăng vì liên quan chất lượng hàng hóa và bảo vệ sức khỏe. Nhóm nghiên cứu của công ty đã phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain (công nghệ chuỗi-khối) trong truy xuất nguồn gốc để số hóa các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam.

Đây là công cụ giúp người sản xuất ghi nhận nhật ký quá trình tạo ra sản phẩm rõ ràng...; về phía khách hàng có thể dùng điện thoại thông minh quét vào tem trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc mang lại hiệu quả rất lớn, giúp khẳng định giá trị hàng hóa, nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt Nam.

Là khu công nghệ cao hoạt động hiệu quả nhất trong các khu công nghệ cao quốc gia, hiện, giá trị xuất khẩu của toàn SHTP chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu của thành phố. Cuối tháng 10 này, SHTP sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho rằng, chuyển đổi số là cả một hành trình chứ không phải như một dự án là bắt đầu làm và kết thúc.

Thời gian qua, SHTP ứng dụng một số giải pháp công nghệ thông tin để thực hiện cam kết sẽ thông minh hóa các hoạt động quản lý của mình. SHTP đã triển khai phần mềm quản lý lao động cho các doanh nghiệp, hệ thống ứng cứu khẩn cấp thông minh cho toàn khu… Các doanh nghiệp trong SHTP được xem là đi tiên phong về tự động hóa, nhưng nếu xét ở góc độ chuyển đổi số đúng nghĩa và toàn diện thì cả doanh nghiệp ở trong lẫn ngoài SHTP đều chỉ mới thực hiện chuyển đổi số bước đầu. Nếu các doanh nghiệp thực hiện tốt việc chuyển đổi số, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số hay xây dựng năng lực số là việc buộc phải làm để tiến tới sản xuất thông minh. Khâu tổ chức thực hiện và nhân lực của doanh nghiệp cho việc chuyển đổi số là vấn đề rất lớn. Những lãng phí lớn trong sản xuất hiện đại không còn nằm chủ yếu ở các yếu tố hữu hình như nguyên, vật liệu hay nhân công mà phần nhiều nằm ở các yếu tố vô hình dẫn đến việc sản xuất chung giảm hiệu quả, khả năng cạnh tranh trên toàn chuỗi hay trong toàn doanh nghiệp không cao.

Để giúp các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, các cơ quan liên quan cần tạo ra hạ tầng số tốt để phục vụ chuyển đổi sang sản xuất thông minh như trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và triển khai sản xuất thông minh… Nhà nước cần có ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất thông minh; hình thành các bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số, sản xuất thông minh theo chuẩn quốc tế và được cập nhật thường xuyên…

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng đánh giá, các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về con người, tài chính và công nghệ đã bắt nhịp được với chuyển đổi số; khó khăn chủ yếu nằm ở nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp ở thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận môi trường kinh doanh quốc tế nên cũng “bắt nhịp” rất nhanh những ý tưởng, mô hình chuyển đổi số mới.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp phải thiết kế lại quy trình sản xuất để đạt hiệu quả cao nhất. Thành phố đã có chủ trương, chính sách cụ thể về thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số; trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ về tài chính nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh thông qua áp dụng chuyển đổi số…

Các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về con người, tài chính và công nghệ đã bắt nhịp được với chuyển đổi số; khó khăn chủ yếu nằm ở nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng

Theo Anh Tuấn, Cao Tân, Hoàng Liêm/nhandan.vn

https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-tao-suc-bat-cho-doanh-nghiep-che-bien-che-tao-post721483.html