Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao Meta đối mặt với 8 vụ kiện liên quan tới Facebook và Instagram
Chuyện nhà, chuyện riêng phơi lên Facebook, ai sẽ là người gánh hệ lụy?
Chuyện nhà, chuyện riêng đưa lên Facebook luôn cần được tiết chế, kiểm soát. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Đặc biệt, những lời giải thích, xác nhận lại được đăng tải trên mạng xã hội, giúp cho dư luận mạng lại có thêm “mồi nhậu”.

Những câu chuyện riêng tư bị lộ lọt, với những quy kết về mặt luật pháp và cả đạo đức, có cơ sở đến đâu khoan hãy bàn tới. Song điều đáng nói là, người trong cuộc và trong nhà cũng góp tiếng, khiến cơ sự càng rối rắm, phức tạp.

Cần biết rằng, những người trong cuộc hay liên quan đến vụ việc và có lên tiếng về vụ việc, đều là người lớn. Khi người lớn mà không tiết chế được thì dư luận làm sao ngừng lặng.

Cách đây chưa lâu, một vị đại gia cũng lộ hình ảnh cặp kè, ôm ấp một nữ ca sĩ trẻ, rồi cũng những lời giải thích mà dư luận cho rằng càng nói càng… lộ. Một số người trong đại gia đình góp tiếng vào, thế là trên Facebook, các trang mạng càng được dịp trích dẫn, đưa chuyện…

Người lớn làm gì trong câu chuyện của mình, cho dù bị động hay chủ động đưa chuyện riêng tư, chuyện nhà “phơi” lên mạng, điều đầu tiên hãy nghĩ tới những đứa trẻ là con em của chính họ.

Những đứa trẻ không có lỗi, càng không nên để chúng gánh chịu những thông tin lan truyền, rồi lan vào lớp học, bị bạn bè đàm tiếu, trêu ghẹo, dẫn đến tinh thần bất ổn, hệ lụy khó lường.

Cũng trong phạm trù chuyện nhà, chuyện riêng “phơi” trên mạng xã hội, không ít bậc phụ huynh rất ngại, hoặc ý tứ đưa hình ảnh, câu chuyện con cái và gia đình lên mạng. Tuy nhiên cũng không ít người, việc đưa chuyện riêng, chuyện nhà lên mạng thiếu tiết chế, thiếu kiểm soát, có thể dẫn đến hệ lụy về sau.

Bởi khi chuyện riêng tư bị đưa lên mạng xã hội, không ít đối tượng được nước thu thập hình ảnh, dữ liệu, rồi đến một lúc nào đó tung ra với mục đích riêng, hoặc sử dụng cho ý đồ trục lợi, thậm chí dùng để đe dọa, tống tiền.

Trên trang cá nhân của mình, nhiều người nghĩ rằng trang của riêng mình thì muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, miễn không ảnh hưởng, gây hại cho quốc gia, cho người khác là được.

Song trên thực tế, với môi trường mạng xã hội phức tạp và diễn biến đầy khó lường như hiện nay, nhận thức trên không những chưa đầy đủ mà còn tạo nhiều kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng.

Trong bối cảnh như hiện nay, việc dùng mạng xã hội cho dù là một nhu cầu, nhưng người dùng trước hết phải tìm hiểu, học và nắm bắt được các kiến thức, kỹ năng bảo vệ được chính mình và người thân. Bởi nếu không, việc khoe chuyện riêng, chuyện nhà hoàn toàn có thể dẫn đến sự phiền phức, thậm chí gây tai tiếng, thiệt hại.

Và đặc biệt, những câu chuyện, vấn đề của người lớn, đừng để cho cả thiên hạ bàn tán, khiến những đứa trẻ trở thành nạn nhân về sau.

Theo Thế Lâm/laodong.vn

https://laodong.vn/ban-doc/chuyen-nha-chuyen-rieng-phoi-len-facebook-ai-se-la-nguoi-ganh-he-luy-1086351.ldo