Hiệu quả từ nông nghiệp hữu cơ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp Đưa Việt Nam thành trung tâm chế biến nông sản top 10 thế giới

Chủ động cơ giới hóa

Tại Hội thảo “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp. Điển hình như Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Mới đây nhất, ngày 20/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 858/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang trình Chính phủ Nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp làm cơ sở pháp lý để triển khai phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.

Mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030: trồng trọt đạt 70%; chăn nuôi đạt 60%; sản xuất thủy sản đạt 90% và đánh bắt bảo quản là 95%; lâm nghiệp đạt 50% và diêm nghiệp đạt 90%. Phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong Top 10 thế giới.

Cơ giới hóa nông nghiệp: Vẫn còn thiếu máy móc
(Ảnh minh họa)

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biế, trong giai đoạn 2011-2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần; máy bơm nước tăng 60%; máy gặt đập liên hợp tăng 80%; máy sấy nông sản tăng 30%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần.

Đối với sản xuất lúa giai đoạn 2008-2021, cơ giới hóa khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%; khâu gieo xạ, cấy tăng từ 5% lên 65%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật từ 55% lên 80%; khâu thu hoạch từ 15% lên 78%; khâu thu gom rơm, rạ đạt 90%. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, các khâu cung cấp nước, thức ăn tự động, tạo tiểu khí hậu đạt trên 90%...

Lãnh đạo Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, mặc dù cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, song với lĩnh vực lâm nghiệp, việc đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu.

Còn thiếu máy móc

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Bích - Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cho biết, cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí và 271 tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia vào quá trình sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các sản phẩm cơ khí do trong nước sản xuất mới đạt khoảng 33% nhu cầu thị trường.

Tại Cần Thơ, quá trình đô thị hóa nhanh, lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp trở thành xu hướng phổ biến. Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vào các vụ mùa, mùa thu hoạch rộ.

Do đó, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay vừa là điều kiện để giải phóng sức lao động, vừa đáp ứng nhu cầu bổ sung sức lao động cho nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện còn một số khâu sản xuất ít được cơ giới hóa nên chưa thúc đẩy phát triển, nâng cao thêm chuỗi giá trị trong ngành sản xuất lúa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng phải giải quyết những nhu cầu đặt ra như: giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn…

"Cơ giới hóa trong nông nghiệp cần phải bắt kịp xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến hiện đại", ông Nguyễn Ngọc Hè nói.

Các chuyên gia cho rằng, chế tạo máy móc trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại, số lượng, cũng như chất lượng nên mức độ cơ giới hoá cao mới chỉ tập trung ở một số khâu làm đất, cung cấp nước, thức ăn và áp dụng với một số sản phẩm chủ lực. Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật của nhiều loại cây trồng hiện vẫn chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.

Đối với thị trường máy nông nghiệp, do phát triển tự phát, người bán và mua công nghệ không có thông tin của nhau. Thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước; quy trình kỹ thuật thâm canh gắn với quy trình cơ giới hóa; thiếu chính sách khuyến khích tạo động lực đào tạo khoa học công nghệ, hạ tầng;...

Các địa phương cần đầu tư hạ tầng đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho cơ sở nuôi trồng ứng dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biến - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Các đơn vị nghiên cứu cần tập trung ứng dụng các chủng loại máy, thiết bị đặc thù phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản để thay thế máy móc, hệ thống linh kiện nhập khẩu, đảm bảo hiệu quả ở quy mô lớn và quy mô nhỏ.

Bảo Thoa