Hiệu quả từ nông nghiệp hữu cơ
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp Người tiên phong phát triển mô hình trồng măng tây ở Sơn Công |
Những nông dân thời 4.0
Hiện nay nông sản an toàn theo hướng hữu cơ không chỉ đang dần chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng mà các sản phẩm này cũng đã và đang dần khẳng định vị thế của ngành Nông nghiệp. Hiệu quả mà các mô hình đem lại đã làm thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết, định hướng thị trường của người nông dân. Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao của anh Ngô Minh Trưởng (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai) được coi là hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại.
Hệ thống trang thiết bị quan trắc điều kiện không khí, nhiệt độ, ánh sáng tại vườn lan được đầu tư bài bản, khoa học, giúp mang lại hiệu quả sản xuất cao. Ảnh: N.Hoa |
Chia sẻ về lý do đầu tư mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp công nghệ cao, anh Trưởng cho hay: “Hoa lan Hồ Điệp du nhập vào Việt Nam khoảng 20 năm nay, hoa Tết thường nhập khẩu từ Trung Quốc về, sau này phát triển các mô hình tự trồng, tự kích hoa tại Việt Nam. Trước đây, người trồng thường mang lên huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) để xử lý mầm hoa nhưng chi phí tăng cao, qua các khâu vận chuyển khiến chất lượng hoa bị ảnh hưởng, do đó tôi luôn trăn trở, muốn tìm lối đi khắc phục những khó khăn đó”.
Xuất phát từ lý do đó, năm 2019, nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm hoa lan cao cấp, anh Trưởng mạnh dạn thuê đất tại xã Mỹ Hưng để trồng thử nghiệm mô hình. Anh đầu tư hơn 7 tỷ đồng để cải tạo, san lấp và xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng… trồng lan Hồ Điệp. Để phát triển mô hình lan Hồ Điệp công nghệ cao, anh Trưởng phải học hỏi công nghệ từ nước ngoài, trau dồi kỹ thuật, kinh nghiệm. Trên diện tích 1.500m2, vụ thu hoạch đầu tiên, hoa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, bán ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán.
Từ thành công ban đầu, đến nay anh Trưởng mở rộng diện tích vườn trồng lên 2.500m2, trồng 80.000 cây lan Hồ Điệp. Toàn bộ diện tích trồng lan đều được anh Trưởng xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng, làm mát được đầu tư đồng bộ. Quy trình khép kín, từ nhiệt độ, ánh sáng đến việc chăm sóc, tưới nước cho lan… đều được anh đầu tư bài bản, khoa học, thực hiện tỉ mỉ, chỉn chu đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật cao, giúp cây sinh trưởng tốt, tránh được sâu bệnh, mang lại hiệu quả sản xuất cao.
Chia sẻ về sự khác biệt của mô hình trồng lan công nghệ cao, anh Ngô Minh Trưởng cho biết: “Lan Hồ Điệp thường nở tự nhiên vào mùa xuân, qua dịp Tết Nguyên đán, do đó muốn hoa nở đúng dịp Tết, phục vụ thị trường, người trồng phải nắm được kỹ thuật, cần xử lý cây, hoa sớm hơn. Mô hình trồng công nghệ cao mặc dù đòi hỏi trình độ kỹ thuật, vốn đầu tư lớn nhưng đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình trồng thông thường. Trên diện tích nhỏ nhưng trồng được số lượng lớn, nhờ khống chế được ánh sáng, nhiệt độ, chất lượng hoa đồng đều hơn”.
Việc ứng dụng công nghệ cao không những giúp anh Trưởng chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu đồng thời giúp giảm chi phí nhân công lao động, từ đó giảm được giá thành sản xuất. Hiện tại, mặc dù diện tích vườn trồng lớn nhưng vườn lan của gia đình anh Trưởng chỉ duy trì 4 lao động thường xuyên. Tại đây, nhân công có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra nhiệt độ tại khu nhà màng, nhà lưới.
Chị Phạm Thị Huyên (làm việc tại vườn lan) chia sẻ: “Làm ở đây công việc rất nhàn vì tất cả các công đoạn đều được tự động hoá, không phải sử dụng tay chân. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã tạo sự thuận tiện cho người lao động, giúp cây sinh trưởng tốt. Công việc hàng ngày của tôi là theo dõi hệ thống quan trắc để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng của vườn lan. Khi thiết bị máy đo báo nhiệt độ ánh sáng quá cao, tôi phải che lưới, khi nhiệt độ thấp, tôi sẽ tăng nhiệt độ điều hoà. Cây lan chỉ phù hợp nền nhiệt 27 - 30 độ C”.
Tăng lợi nhuận nhờ sản xuất hữu cơ
Không chỉ có mô hình trồng hoa lan công nghệ cao mà trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao trên các loại cây trồng, vật nuôi như: Mô hình trồng măng tây xanh hữu cơ, rau trong nhà lưới, nho Hạ Đen... trong đó nhiều sản phẩm đã đáp ứng tiêu chuẩn VietGap.
Cách đây 2 năm, được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông Thành phố, Trạm khuyến nông huyện Đan Phượng, ông Nguyễn Hữu Hợi (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng nho Hạ Đen không hạt. Gia đình ông là một trong số những hộ trên địa bàn xã Đan Phượng tham gia mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất chất lượng thích ứng biến đổi khí hậu của Trung tâm khuyến nông Thành phố.
Từ 600 gốc nho đầu tiên được trồng vào tháng 10/2020 đến tháng 11/2021 cây bắt đầu cho thu hoạch quả, gia đình ông thu được 3 tấn nho, trừ hết các khoản chi phí giống, phân bón, nhân công... thu lãi 300 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, năm 2021 gia đình ông mở rộng diện tích trồng, từ 600 gốc nho ban đầu, hiện tại gia đình ông Hợi có 1.500 gốc trồng trên diện tích 4.500m2, ước tính sản lượng nho năm 2022 của gia đình đạt gần 5 tấn.
Chia sẻ về hiệu quả của mô hình và hướng phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Hợi cho hay: “Nho Hạ Đen được trồng theo hướng hữu cơ, quá trình trồng đảm bảo đúng các yếu tố kỹ thuật, vườn nho cho năng suất cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn, xây dựng quy trình trồng nho đáp ứng tiêu chuẩn VietGap. Đầu tư nông nghiệp hữu cơ tuy ban đầu tốn kém, vất vả hơn so với sản xuất thông thường, nhưng đem lại nhiều cái lợi khác biệt hơn rất nhiều. Do đó đòi hỏi người làm phải có cái tâm, sự kiên trì, dám nghĩ, dám làm mới có thể theo đuổi thành công. Hiện mô hình trồng nho của gia đình tôi có thị trường tiêu thụ rất ổn, trong tương lai việc mở rộng diện tích canh tác hữu cơ là rất thuận lợi đối với gia đình”.
Đó chỉ là 2 trong số các mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả trên địa bàn Thủ đô. Mặc dù hiệu quả đã được khẳng định, nhưng trên thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội còn hạn chế. Đáng nói, có một số dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ dù được đầu tư triển khai song hiệu quả không như mong đợi. Các mô hình nông nghiệp hữu cơ khó nhân rộng bởi nhiều lý do, trong đó có sự thiếu kiên trì của bà con nông dân và nút thắt là phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa được quan tâm đúng mức.
Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị cao, phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tham mưu và trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mỗi năm, Hà Nội sẽ mở rộng sản xuất ít nhất 300 - 500ha cây trồng theo hướng hữu cơ. Đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tổng sản phẩm chăn nuôi, diện tích thủy sản chuyển đổi hữu cơ đạt khoảng 70ha... Về định hướng lâu dài, sản xuất hữu cơ của nông nghiệp Hà Nội sẽ gắn với du lịch sinh thái và sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó để các mô hình được nhân rộng, ngoài việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, công nghệ các hộ sản xuất nhận được sự hỗ trợ trong khâu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng tại các tỉnh, thành. Trong đó, Hội Nông dân Thành phố và Bưu điện thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hợp tác, trong đó nội dung quan trọng được triển khai trong năm 2022 là phối hợp rà soát, thu thập thông tin của 165.497 hộ sản xuất nông nghiệp để cập nhật, giới thiệu và bán sản phẩm nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và Agri-postmart.vn./.
Theo N.Hoa/laodongthudo.vn
Bình luận