Phát triển kinh tế nông nghiệp ở Hồng Dương Tập huấn kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn Tận dụng phế phẩm nông nghiệp phục vụ sản xuất

Thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp; yêu cầu tăng dân số trong những thập niên tới với tỉ lệ ngày càng tăng cao sẽ làm biến đổi sâu sắc môi trường sinh thái và nền nông nghiệp trên toàn cầu.

Chính vì vậy, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu vì đó là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người; đồng thời, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm nông sản tốt, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất trong quá trình sản xuất.

Báo cáo tham luận tại Diễn đàn nông nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, giai đoạn sau năm 2018, sau khi Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp hữu cơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 29/8/2018 và Đề án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 được phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020, Việt Nam đã có hệ thống các văn bản quản lý Nhà nước về nông nghiệp hữu cơ, các chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ và các định hướng, nguồn lực cho phát triển nông nghiệp hữu cơ từ trung ương tới địa phương. Đây là tiền đề cơ bản để nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển bền vững.

Nông nghiệp hữu cơ: Nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hợp lý
Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ và báo cáo của Tổ chức nông nghiệp hữu cơ thế giới năm 2021, cho đến năm 2020 tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khoảng trên 174.351 ha, tăng 47% so với năm 2016 (Việt Nam hiện là nước đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á).

Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 63.536 ha (tăng 19% so với năm 2016), diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 100.000 ha (tăng 71,8% so với năm 2016), diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ đạt 12.450 ha (tăng 72,7% so với năm 2016).

Sản lượng sản phẩm được chứng nhận hữu cơ tuy chưa nhiều nhưng số lượng và chủng loại sản phẩm đang ngày càng được mở rộng (đối với cả tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài). Hầu hết, các địa phương trên cả nước đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ (tăng từ 40 địa phương trong năm 2016 lên đến 57 địa phương trong năm 2021).

Lực lượng các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo, đóng góp đáng kể vào sự phát triển lĩnh vực này thời gian qua. Tính đến hết năm 2021, số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ là 17.174 cơ sở, nhà chế biến là 555; nhà xuất khẩu là 60 và nhà nhập khẩu là 40.

Theo báo cáo của các địa phương đến hết năm 2021, các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay chủ yếu là quy mô hộ gia đình (chiếm 98%), doanh nghiệp (0,5%) và hợp tác xã, tổ hợp tác (1,5%).

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung phần lớn tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc (chiếm 47%), khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 31%) và khu vực Đồng bằng sông Hồng (chiếm 20%), các khu vực khác như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ còn thấp.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 335 triệu USD/năm tới 180 thị trường trên thế giới (tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010-2016).

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhận thức và sự quan tâm của xã hội, người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng được nâng lên.

Nông nghiệp hữu cơ: Nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hợp lý
Người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm hữu cơ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có các khó khăn hạn chế như thói quen của người dân trong việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học vẫn còn phổ biến nhằm đáp ứng các yêu cầu về năng suất, sản lượng, là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn manh mún, diện tích còn khiêm tốn và không tập trung, các khu vực sản xuất hữu cơ bước đầu đang ở dạng mô hình với diện tích nhỏ và đang trong quá trình áp dụng thử nghiệm dẫn đến chi phí đầu tư cao.

Đối với chăn nuôi, hiện nay chủ yếu là quy mô nông hộ có chăn nuôi hữu cơ theo phương thức truyền thống nhưng nhỏ lẻ và không ổn định. Việc quy hoạch, bố trí đất đai cho phát triển chăn nuôi trang trại tập trung còn gặp khó khăn, nhất là bố trí đất đai để thu hút đầu tư các dự án chăn nuôi hữu cơ. Việc chuyển đổi sản xuất gặp nhiều khó khăn do một số vùng sản xuất đã trải qua thời gian dài áp dụng phương pháp canh tác thâm canh dựa vào hóa học nên đất trồng, nguồn nước, hệ sinh thái bị suy giảm chất lượng, cần có chính sách khuyến khích tổ chức thực hiện từng bước, đánh giá rút kinh nghiệm trước khi áp dụng trên diện rộng;

Vùng có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay tập trung tại vùng trung du và miền núi. Việc quy hoạch, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp trong nông thôn còn bất cập, tổ chức sản xuất theo chuỗi chưa triển khai được trên diện rộng nên phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa đem lại hiệu quả rõ rệt; việc xác định và tạo lập vùng sản xuất đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức sản xuất và chứng nhận hữu cơ còn gặp khó khăn do tiêu chí khắt khe so với điều kiện của một số địa phương.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phát triển, chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu, tiêu thụ tập trung tại các kênh phân phối hiện đại và phục vụ thị phần nhỏ khách hàng trung và cao cấp. Có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm hữu cơ có chứng nhận và sản phẩm “hữu cơ tự xưng” (sản phẩm không có chứng nhận nhưng được ghi trên bao bì, nhãn mác là sản phẩm hữu cơ).

Nông nghiệp hữu cơ: Nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hợp lý
Đẩy nhanh việc hỗ trợ địa phương xác định các vùng đảm bảo điều kiện sản xuất hữu cơ

Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do chưa phân biệt được chất lượng của sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm thông thường. Giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao do phải trải qua nhiều khâu trung gian khi đến tay người tiêu dùng, do đó chưa thu hút được sự quan tâm, chấp nhận của người tiêu dùng trong nước.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động để người sản xuất và người tiêu dùng hiểu được ý nghĩa của sản xuất hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích trước mắt là sản phẩm an toàn mà còn là vấn đề sức khỏe con người, môi trường sinh thái và phát triển toàn diện, bền vững; giúp người tiêu dùng phân biệt được giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm được sản xuất theo quy trình thông thường.

Đẩy nhanh việc hỗ trợ địa phương xác định các vùng đảm bảo điều kiện sản xuất hữu cơ, ưu tiên theo hướng phát triển tập trung, quy mô hàng hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi để kết đảm bảo kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, quy trình sản xuất, chăm sóc, ghi chép, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến, tiêu thụ và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thúc đẩy xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Tích cực chia sẻ thông tin thị trường, tạo không gian và điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh và liên kết, hợp tác, đầu tư phát triển sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bảo Thoa