Doanh nghiệp Việt kiến nghị chính sách khi hoạt động tại Indonesia Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh: Dấu hiệu phục hồi kinh tế Hỗ trợ doanh nghiệp, hải quan giảm chi phí giao dịch thương mại

Số liệu từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho thấy, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới năm 2021 tăng tới 25,7% so với năm 2020. Còn theo số liệu của Amazon, năm 2021, đã có 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được bán thông qua sàn TMĐT này, tăng gần 35% so với năm 2020 trước đó.

Những con số ấn tượng này đến từ xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại của nhiều DN Việt Nam. Ngoài ra, kết quả này còn là thành quả đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế, lợi ích từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết cũng như các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại qua môi trường trực tuyến.

doanh nghiep can tiep can nhanh voi kinh doanh va xuat khau truc tuyen hinh anh 1
Nhận thức về kinh doanh online và chuyển đổi số là nhu cầu chung của nhiều doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, TMĐT đã nổi lên như một giải pháp cứu cánh, thậm chí là duy nhất cho các DN muốn triển khai các hoạt động xuất khẩu. Nhiều DN xuất khẩu truyền thống đã chuyển sang mô hình xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới, tăng cường chuyển đổi số cũng như điều chỉnh mô hình, sản phẩm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh và tốc độ để theo kịp thị trường.

“Những khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua không hoàn toàn chỉ đem lại tác động tiêu cực, mà đã trở thành động lực đáng kể để các DN xuất khẩu thông thường chuyển đổi và từng bước thành công trong môi trường TMĐT nói chung và TMĐT xuyên biên giới nói riêng. Nhiều nhà bán hàng, nhà xuất khẩu đã có sự thay đổi tích cực trong tư duy, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, thậm chí là DN siêu nhỏ cũng như các hợp tác xã từ chỗ ngại chuyển đổi số, chỉ bán hàng trực tiếp thì nay đã sẵn sàng kinh doanh, xuất khẩu trực tuyến”, bà Huyền nhìn nhận.

Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết, thời gian tới sẽ có nhiều chương trình được khởi động nhằm hỗ trợ sâu sắc và hiệu quả hơn nữa tới cộng đồng DN. Cụ thể như hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến có mục tiêu hỗ trợ 10.000 DN đa lĩnh vực trong giai đoạn từ 2021 – 2025 xuất khẩu thành công thông qua môi trường trực tuyến.

Sàn TMĐT ECVN sẽ nơi góp mặt của hơn 3.000 gian hàng đang tiếp thị hơn 12.000 sản phẩm tới thị trường quốc tế, hay như cổng thông tin Vietnamexport - nền tảng cung cấp thông tin chính thống về tình hình xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế. Với sự đồng hành của hơn 60 thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đảm bảo đem đến những thông tin mới nhất, những nhận định, đánh giá khách quan và sát với thực tế giúp DN có chiến lược phù hợp với sự biến động của thị trường.

“Việc tăng cường tập huấn hỗ trợ DN vừa và nhỏ kinh doanh online và xuất khẩu trực tuyến nhằm mục đích giúp các DN vừa và nhỏ có nhận thức về kinh doanh online và chuyển đổi số; từng bước đưa các DN truyền thống áp dụng hình thức trực tuyến và sử dụng các công cụ quảng bá, tiếp cận thị trường, qua đó tối ưu hóa công tác marketing và tăng doanh số bán hàng”, bà Huyền cho biết.

Theo ông Lê Trung Dũng, Phó ban quản lý Dự án ECVN - Trung tâm Phát triển TMĐT Ecomviet, Cổng thông tin xuất nhập khẩu (Vietnamexport.com) sẽ cung cấp thông tin chính thống về tình hình xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế. Trong đó, ứng dụng hỏi đáp xuất nhập khẩu sẽ nhanh chóng trả lời những thắc mắc của DN, hộ kinh doanh và cá nhân về những quy định hiện hành liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương quản lý thông qua hệ thống AI tiên tiến.

“Trong khuôn khổ các chương trình tập huấn hỗ trợ DN kinh doanh online và xuất khẩu trực tuyến, DN có năng lực sản xuất được lựa chọn sẽ nhận tư vấn từ quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm dựa trên khảo sát thị trường của ban cố vấn. Sau khi phát triển được sản phẩm có năng lực cạnh tranh, DN sẽ được hỗ trợ tham gia tối tiểu 3 sàn TMĐT quốc tế, có nhân sự hỗ trợ chăm sóc khách hàng, marketing giúp quảng bá sản phẩm cho tới khi có đơn hàng thực tế”, ông Dũng cho biết.

doanh nghiep can tiep can nhanh voi kinh doanh va xuat khau truc tuyen hinh anh 2
Các DN rất cần sự hỗ trợ nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức để có thể từng bước dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến được hiệu quả.

Sự chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online thời gian qua cũng ít nhiều gây ra khó khăn cho DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Với khả năng tài chính và nguồn nhân lực hạn chế, các DN này rất cần sự hỗ trợ nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức để có thể từng bước dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến được hiệu quả.

Điều này cũng phù hợp với đánh giá của nhiều chuyên gia, khi nhận thấy phần đông DN hiện nay vẫn còn thiếu kinh nghiệm xuất khẩu trực tuyến và kinh doanh online. Do đó, việc tăng cường tập huấn hỗ trợ DN kinh doanh online và xuất khẩu trực tuyến sẽ giúp các DN thu thập thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm từ các chuyên gia, để từ đó hoàn thiện và nâng cao khả năng tiếp thị, bán hàng trên môi trường thương mại điện tử và xuất khẩu trực tuyến./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-can-tiep-can-nhanh-voi-kinh-doanh-va-xuat-khau-truc-tuyen-post951409.vov