Vi phạm có chiều hướng gia tăng

Tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thời gian qua có chiều hướng tăng rõ rệt, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và xu thế phát triển mạnh của thương mại điện tử, nhu cầu mua sắm hàng hóa trên mạng nói chung và trên các sàn thương mại điện tử nói riêng. Các hình thức vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán các mặt hàng trên mạng không đúng như quảng cáo, các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, đoạn video của chính hãng để quảng cáo, nhưng khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng lại rất khác…

Cách nào ngăn chặn hàng giả trên không gian mạng?
Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, thực tế có không ít sàn thương mại điện tử vì chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó nên chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa. Điều này tạo ra tình trạng trong số các hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái.

Trước nhu cầu gia tăng của khách hàng mua online, để đảm bảo số lượng hàng hóa đủ đa dạng và phong phú, như một hệ quả tất yếu, các đối tượng kinh doanh trên sàn cũng sẽ đa dạng hơn, song việc này dẫn đến sự khó kiểm soát sự đồng đều về mặt uy tín hơn trước. Giả sử chỉ cần 1% lượng hàng không đảm bảo chất lượng cũng đã ảnh hưởng tới hàng nghìn khách hàng.

Tại Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT" được tổ chức mới đây, ông Vũ Anh - Giám đốc chiến lược sàn TMĐT Vỏ Sò cho rằng, các sàn TMĐT hiện tại cũng đang cố mở rộng người bán trên sàn của mình cho nên khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa cũng chưa được chặt chẽ. Chính vì vậy, các hàng hóa đưa lên sàn TMĐT bị trà trộn hàng giả, hàng nhái ngày càng nhiều. Thêm nữa, đối với một số mặt hàng, dù không phải hàng giả, hàng nhái nhưng tiêu chuẩn, chất lượng không đảm bảo. Như vậy, cuối cùng thiệt thòi chính là người tiêu dùng.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Vai trò của sàn thương mại

Với tư cách là người đứng giữa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các sàn TMĐT hiện nay cũng đã và đang bắt đầu triển khai các hoạt động rà soát đầu vào và trong quá trình vận hành để từ đó hạn chế tối đa số lượng hàng hóa không đúng như kỳ vọng của khách hàng.

Theo đại diện sàn TMĐT Vỏ Sò thì việc đầu tiên khi các đối tác lên sàn bán hàng phải công khai mã số thuế, thông tin của doanh nghiệp phải đầy đủ, thêm nữa là phải xác minh căn cước công dân của chủ hàng. Ông Vũ Anh cho rằng, đối với tiêu chuẩn hàng hóa, các sàn TMĐT cũng nên phối hợp với các đơn vị làm truy xuất nguồn gốc hoặc tiêu chuẩn chất lượng để làm sao hàng hóa được xác minh đúng tiêu chuẩn. Tuy rằng chưa thể triệt tiêu được 100% hàng giả, hàng nhái trên sàn, nhưng sẽ là hình thức làm giảm bớt, và tiến tới xóa bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên các sàn TMĐT. “Trước thông tin hàng giả, hàng nhái tràn lan, chúng tôi có các công cụ như eKYC, có chứng minh thư nhưng vẫn phải chụp ảnh, xác minh thông tin từ người bán”, ông Vũ Anh chia sẻ.

Còn đối với sàn TMĐT Sendo, sàn này áp dụng quy định thanh toán của khách hàng sẽ được giữ lại trong ví Senpay của shop từ 3- 7 ngày sau khi giao hàng thành công để phòng trường hợp có khiếu nại chính xác thì sẽ hoàn đầy đủ cho khách. Theo Sendo, do đặc thù sàn là C2C (từ người tiêu dùng tới người tiêu dùng) nên chủ hàng chỉ cần đăng ký thông tin căn cước công dân là có thể đăng bán.

Sendo đã triển khai áp dụng giải pháp lọc các sản phẩm hàng hóa đang bán trên sàn thông qua hệ thống công nghệ AI đồng thời có đội ngũ nhân lực lọc thủ công để kiểm tra từng sản phẩm hàng hóa đang bán có chính xác như mô tả, quảng cáo hay không; các thông tin cung cấp có chính xác so với tính chất của sản phẩm đang bán hay không… Do đó, nếu người bán cố tình khai báo gian dối thông tin, lấy hình ảnh của sản phẩm khác đăng lên sàn để “vượt” qua bộ lọc thì chỉ có thể ngăn chặn, tháo gỡ sản phẩm, khóa shop bằng phát giác, báo cáo của khách hàng.

Tại sàn TMĐT Chợ Tốt cũng đã phát triển tính năng thanh toán đảm bảo. Tính năng này cho phép người mua có thể đặt cọc từ 10% hoặc thanh toán 100% giá trị món hàng trực tiếp cho người bán thông qua nền tảng Chợ Tốt. Số tiền này sẽ được giữ an toàn bởi bên cung cấp dịch vụ thanh toán và chuyển cho người bán khi người mua nhận được hàng đúng như mô tả và không có khiếu nại. Các giao dịch được thực hiện qua tính năng này sẽ giảm thiểu tối đa các rủi ro cho cả người mua và người bán nhờ vào các chính sách hỗ trợ và bảo vệ người dùng.

Với Tiki, khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu nên trong hơn 4 năm nay luôn duy trì chương trình đền bù 111% dành cho những trường hợp không may mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn. Bên cạnh việc hoàn tiền và đền bù khách hàng, Tiki cũng có các chế tài hợp lý với nhà bán hàng, trong đó mạnh nhất là ngưng hợp tác kinh doanh vĩnh viễn.

Có thể thấy, việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái là một thách thức đối với cả cơ quan quản lý cũng như các sàn TMĐT. Tuy nhiên, thực trạng cũng cho thấy, ngay cả một mô hình đã có trong thời gian rất dài như kinh doanh offline thì việc quản lý chất lượng hàng hóa vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Điều đó có nghĩa là việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái không còn là vấn đề của một vài cá nhân, tổ chức hay công ty mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết, thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã nỗ lực hết sức để bắt kịp xu hướng thời kỳ 4.0, khi nền tảng mạng phát triển chóng mặt. TMĐT trước đây chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, cao hơn là trên các sàn TMĐT.

Nhưng hiện nay các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok cũng bán được hàng và đây mới chỉ là bước đầu của nền kinh tế số. Chưa kể, mô hình TMĐT không chỉ ở một nơi, mà đa quốc gia, lãnh thổ, do đó, công tác đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên không gian mạng. Như vậy, vấn đề nhức nhối này chỉ có thể giải quyết bằng cách sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ban, ngành; đồng thời đưa ra các khung pháp lý cơ chế chính sách phù hợp, “buộc” trách nhiệm của chủ sàn TMĐT với hàng hóa bày bán trên sàn./.