Hỗ trợ doanh nghiệp, hải quan giảm chi phí giao dịch thương mại Nâng giá trị nông sản bằng công nghệ thông tin

Theo đánh giá sơ bộ của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3, nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc mạnh mẽ vào đầu năm 2022 nhờ chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tích cực, nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đối với sản phẩm sản xuất của Việt Nam, động lực từ nhu cầu nội địa và các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài bền bỉ. Điều này một lần nữa cho thấy những nỗ lực, hướng đi đúng trong chính sách chống dịch, mang lại nhiều kết quả tích cực: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đảm bảo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Đồng thời khẳng định vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh: Dấu hiệu phục hồi kinh tế
Ảnh minh họa

Tổng cục Thống kê cho biết, tháng Tư năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục từ trước đến nay với 15 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; tháng 5/2022 tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2022 là 13.370 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký trong tháng 5/2022 thấp hơn so với tháng 4/2022 nhưng là con số cao nhất trong tháng 5 từ trước đến nay. Vùng Tây Nguyên có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng Năm cao nhất, tăng 37,3% so với cùng kỳ 2021, tiếp theo Trung du và miền núi phía Bắc tăng 29,4%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 26,3%; Đồng bằng sông Hồng tăng 22,4%; Đồng bằng sông Cửu Long tăng 17,6% và Đông Nam Bộ tăng 3,5%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 62.961 doanh nghiệp (cao nhất của 5 tháng đầu năm từ trước đến nay), tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo quy mô vốn, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở quy mô vốn từ 50-100 tỷ đồng là 960 doanh nghiệp (chiếm 1,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước); từ 20 - 50 tỷ đồng là 1.997 doanh nghiệp (chiếm 3,2% và tăng 17,5%); từ 0-10 tỷ đồng là 56.243 doanh nghiệp (chiếm 89,3% và tăng 13,7%); trên 100 tỷ đồng là 825 doanh nghiệp (chiếm 1,3% và tăng 3,5%); riêng quy mô vốn từ 10-20 tỷ đồng có 2.936 doanh nghiệp (chiếm 4,7% và giảm 2,7%).

Tổng cục Thống kê cho biết, việc nối lại chuỗi cung ứng trong sản xuất và mở cửa du lịch là yếu tố then chốt đẩy nhanh tốc độ phục hồi của Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Mặt khác, việc tổ chức thành công SEA Games 31 là cú huých cho sự phục hồi, phát triển của du lịch Việt Nam. Một số kết quả ấn tượng trong 5 tháng đầu năm 2022 như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế tăng 350%; kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 15,6%; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,3%; số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 98,6 nghìn doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay; thu ngân sách tăng 18,7%; vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tăng 7,8%.

Bước sang tháng 6/2022, nhiều chính sách mới về kinh tế - xã hội có hiệu lực, để cộng đồng doanh nghiệp năng động và vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, cần tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận tại các chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng “cát cứ” không thống nhất gây cản trở. Đồng thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ nguyên, vật liệu chất lượng tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Minh Ngọc/vnmedia.vn

https://vnmedia.vn/kinh-te/202206/doanh-nghiep-dang-ky-thanh-lap-moi-tang-manh-dau-hieu-phuc-hoi-kinh-te-6fb1e0a/