Nâng giá trị nông sản bằng công nghệ thông tin
Chuyển đổi số tạo nên một môi trường kinh doanh nông sản lành mạnh Triển lãm số quảng bá nông sản vải thiều tới thị trường quốc tế |
Minh bạch thông tin
Theo Giám đốc Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh (huyện Đan Phượng) Trần Sỹ Hùng, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình sản xuất, đóng gói, sơ chế…; đăng ký QRcode trên tem, túi đựng sản phẩm... để người tiêu dùng có thể nắm bắt quy trình sản xuất. Trung bình mỗi năm hợp tác xã cung cấp ra thị trường 30-40 tấn nấm các loại và các thành viên có thu nhập 500-600 triệu đồng.
Thành phố Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ về vốn để hợp tác xã đưa công nghệ hiện đại vào quản lý quy trình bảo quản, chế biến nông sản. Trong ảnh: Mô hình chế biến rau, củ thành ống hút công nghệ cao tại Hợp tác xã Sông Hồng (huyện Đông Anh). |
Còn Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vân Nam (huyện Phúc Thọ) Doãn Văn Thắng cho biết, với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, sản phẩm của hợp tác xã đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, sử dụng bao bì và logo nhãn hiệu tập thể “Chuối Vân Nam” tại website http://chuoivannam.com để người tiêu dùng nhận biết và yên tâm về chất lượng khi mua hàng.
Nói về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản phẩm nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (quận Thanh Xuân) Phạm Thị Lý thông tin, Trung tâm đã phối hợp với ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ Check VN để thiết lập dữ liệu, số hóa, theo dõi, kiểm soát, bảo mật, xác thực thông tin về sản phẩm hàng hóa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời kết nối nhà sản xuất, nhà quản lý với người tiêu dùng thông qua mã phản hồi nhanh QRcode và phần mềm ứng dụng trên Check VN.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, để minh bạch thông tin sản phẩm, Hà Nội đã hỗ trợ, hướng dẫn và cấp tài khoản quản lý cho 3.109 cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn. Cùng với đó là hoàn thiện thủ tục quản lý minh bạch thông tin cho 653 doanh nghiệp của Hà Nội và 238 doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố với 10.952 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm không chỉ giúp các cơ quan chức năng tiếp nhận kịp thời phản ánh của người tiêu dùng mà còn có thể nắm bắt, tổng hợp, phân tích nhu cầu thị trường để hoạch định việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó xây dựng một thị trường thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Tăng cường quản lý bằng công nghệ
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm... đã góp phần từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm và mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư nên việc mua sắm trang thiết bị, áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến còn hạn chế. Mặt khác, nông dân chưa quen với việc ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng để đưa lên hệ thống quản lý...
Để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm, ở góc độ người sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh) Lê Văn Tám đề xuất, thành phố cần có chính sách hỗ trợ về vốn để hợp tác xã đưa công nghệ hiện đại vào quản lý quy trình bảo quản, chế biến nông sản, từ đó mới đẩy mạnh được liên kết chuỗi để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại các kênh phân phối hiện đại.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ, cùng với việc chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, Đan Phượng sẽ triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến nông sản; đồng thời rà soát, thẩm định, cấp mã tham gia hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc thành phố Hà Nội cho các cơ sở đủ điều kiện...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm; khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng thực phẩm ưu tiên kinh doanh các mặt hàng có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc… Các siêu thị nên có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua ứng dụng công nghệ thông tin như điện thoại thông minh...
Vấn đề nữa là, các địa phương cần tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phần mềm quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời tư vấn hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, QRcode cho các doanh nghiệp, hợp tác xã… Qua đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu sản xuất để người tiêu dùng có thể nhận biết và yên tâm sử dụng các sản phẩm nông nghiệp.
Theo Ngọc Quỳnh/hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/1034544/nang-gia-tri-nong-san-bang-cong-nghe-thong-tin
Bình luận