Cơ hội giao thương ngành cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo
Triển lãm thu hút hơn 320 nhà trưng bày ngành cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo đến từ hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc hai thập kỷ đồng hành cùng cộng đồng ngành cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo tại Việt Nam của chuỗi triển lãm MTA.
MTA Vietnam 2024 sở hữu danh mục trưng bày đa dạng, tập trung vào các nhóm sản phẩm như máy cắt và định hình kim loại, kim loại tấm, đúc và khuôn mẫu; công nghệ hàn, công nghệ tự động hóa; nguyên nhiên vật liệu và nhiều thiết bị, dịch vụ hỗ trợ khác.
Triển lãm có sự góp mặt của 13 nhóm gian hàng quốc tế từ Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Italy… Đặc biệt, nhóm gian hàng từ Đức được đại diện bởi Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức, kết hợp cùng Hiệp hội Công nghiệp Triển lãm Thương mại Đức (AUMA).
Triển lãm quốc tế lần thứ 20 về cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo – MTA Vietnam 2024. |
Trong suốt 4 ngày diễn ra triển lãm, Ban tổ chức MTA Vietnam 2024 sẽ đưa khu vực trưng bày tự động hóa VINRA (Vietnam Industrial Robotics and Automation Event) trở lại, với nhiều công nghệ tự động hóa tiên tiến từ các doanh nghiệp hàng đầu như Fanuc, Universal Robot, Eco Smart, IDEA, Vimala, Eurorack…
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn đồng hành cùng Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, triển khai cuộc tranh tài Robot – “MTA Challenges” lần thứ hai.
Ông Ben Wong, Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Vietnam, cho biết "MTA Vietnam 2024 mang đến cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối kinh doanh với nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng. Đồng thời, các đơn vị tham gia triển lãm có cơ hội giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, gia tăng nhận diện thương hiệu, và cập nhật những giải pháp đổi mới, sáng tạo tiên tiến trong ngành cơ khí chính xác và sản xuất chế tạo.
Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn cam kết tiếp tục thúc đẩy đổi mới một cách bền vững trong lĩnh vực sản xuất; đưa những tiến bộ kỹ thuật này đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, kết hợp cùng các chương trình hội thảo, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự và các thế hệ tiếp theo".
Theo Bộ Công Thương, tính chung năm tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3%, đóng góp 6,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Chỉ số IIP dự đoán tiếp tục tăng và đặt mức tăng 7,1% sau 6 tháng đầu năm 2024.
Sau quý I/2024, cả nước có gần 59,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8% (Tổng cục Thống kê, ngày 03/04/2024). Những con số này là minh chứng tích cực cho sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp nói chung và ngành sản xuất, chế tạo nói riêng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư hấp dẫn.
Trong những năm tới, ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo tiếp tục được xem là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Theo định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP sẽ đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%.
Điều này đi cùng nhiều cơ chế, chính sách mới sẽ được xây dựng, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hoá trong sản xuất nhằm tạo ra các quy trình sản xuất và mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị tiên tiến nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật sản xuất bền vững.
Bình luận