Đến 2030 phấn đấu xây dựng 1,8 triệu căn nhà ở xã hội Nghiên cứu tách riêng chính sách nhà ở công nhân

Những căn phòng trọ “siêu bé”

Hiện nay, thành phố Hà Nội có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Tổng số lao động đang làm việc tại các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội là gần 165.000 người, phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm hơn 60%). Thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam từ 5-5,5 triệu đồng/người/tháng.

Có dịp đến với Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, Đông Anh) - nơi thu hút đông công nhân lao động nhất Hà Nội, có thể dễ dàng cảm nhận được sự tấp nấp, hổi hả khi hàng chục ngàn công nhân trở về phòng trọ vào lúc tan tầm.

Công nhân và ước mơ về chốn “an cư”
Những dãy nhà trọ phổ biến tại Khu công nghiệp Thăng Long.

Làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long từ năm 19 tuổi, 4 năm qua, chị Mùi Thị Dân (quê Lạng Sơn) quen với căn phòng trọ rộng chưa đến 10m2. Chị Mùi tâm sự, căn phòng của chị nhỏ, lại lợp bằng mái tôn nên giá chỉ có 500 ngàn đồng/tháng. Do giá rẻ nên khu vệ sinh cả dãy nhà trọ buộc phải dùng chung với 5 phòng khác. Mọi sinh hoạt hằng ngày của chị từ nấu ăn, giải trí... đều quanh quẩn trong căn phòng nhỏ này với chiếc giường đã chiếm hơn 1 nửa diện tích.

“Dạo gần đây thời tiết mát mẻ nên ở trong phòng cũng dễ chịu hơn. Mùa hè phòng vừa nóng, vừa bí lại không có điều hoà. Nhiều khi xong việc cũng chẳng muốn về phòng nữa”, chị Dân chia sẻ.

Mặc dù điều kiện sống hạn chế nhưng lý do khiến chị Dân vẫn “bám trụ” tại đây do giá phòng hợp với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng. Theo chị Dân, tiền thuê nhà không phải gánh nặng nhưng cũng khá đau đầu khi phải chi cố định hằng tháng, do vậy chị cần tiết kiệm tối đa. Nói về điều mong mỏi lớn nhất, chị Dân bày tỏ muốn có sự hỗ trợ để có thể thuê nhà giá rẻ, chất lượng tốt hơn.

Công nhân và ước mơ về chốn “an cư”
Căn phòng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Loan dành cho 3 người ở.

Cách phòng của chị Dân không xa là căn phòng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Loan (quê Thanh Hoá). Mặc dù, chỉ rộng hơn 10m2 nhưng căn phòng này lại dành cho 3 người ở. Mỗi tháng, anh Loan chi 500 ngàn đồng cho tiền thuê phòng. Còn tiền điện, nước sẽ thanh toán theo nhu cầu sử dụng. Anh Loan kể, bản thân làm việc tại đây được 5 năm, với mức lương 8-9 triệu đồng/tháng, trừ chi phí tiền phòng, điện, nước, ăn uống và một số sinh hoạt cá nhân khác, số tiền tiết kiệm còn lại không được bao nhiêu.

Đông người, nhu cầu sử dụng lớn nhưng phòng của anh Loan chỉ kê đủ một chiếc giường, tủ lạnh và vài vật dụng cá nhân nhỏ để chừa lại lối đi. Khu vực nấu ăn cũng nằm ngay trong phòng. Mặc dù có con nhỏ nhưng hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép thuê chỗ rộng rãi hơn nên gia đình vẫn tá túc tại đây.

Những phòng trọ chật hẹp dưới 10m2-15m2 không phải là hiếm tại xã Kim Chung bởi những khu nhà trọ công nhân này được xây dựng từ khi Khu công nghiệp Thăng Long đi vào hoạt động. Có thể dễ dàng nhìn thấy những dấu hiệu của sự xuống cấp dần theo thời gian, tuy nhiên việc cải tạo gần như là chưa được thực hiện nhiều. Công nhân cũng chấp nhận sống trong môi trường chật hẹp, lụp xụp vì mức chi phí rẻ.

Hơn 10 năm thuê trọ làm công nhân

16 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long cũng là bằng ấy thời gian vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyền (công nhân Công ty TNHH SD Việt Nam) đi ở trọ. Chị Tuyền cho biết, vợ chồng chị quê ở Quảng Ninh, để thuận tiện cho công việc, cả gia đình vợ chồng con cái 4 người sống chung trong căn phòng trọ chưa đến 20m2. Với mức thuê khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, căn phòng này “tiện nghi” và thuộc “phân khúc cao” so với nhiều phòng trọ khác ở thôn Bầu (xã Kim Chung).

Công nhân và ước mơ về chốn “an cư”
Diện tích chật hẹp nên nhiều công nhân phải kê bếp ở bên ngoài.

Gia đình chị kê chiếc giường rộng 1,8m2 ở giữa phòng làm nơi nghỉ ngơi. Không gian còn lại đủ kê chiếc bàn cho 2 con học và khu bếp, vệ sinh… Nguồn sáng hiếm hoi của căn phòng là ô cửa sổ nhỏ đối diện giường ngủ. Nhiều năm làm công nhân, chị Tuyền quen với cảnh “đầu tắt mặt tối” trong nhà máy, khi làm ngày, khi tăng ca đêm. Cứ vậy, tổng tiền lương mà vợ chồng chị Tuyền nhận về khoảng 13-15 triệu đồng/tháng. Chị Tuyền tâm sự, số tiền này ở quê có thể không nhỏ nhưng để tích lũy với mức sống Hà Nội thì chẳng thấm vào đâu.

“Với điều kiện hiện nay thì chi phí sinh hoạt hằng ngày của gia đình tôi không gặp nhiều khó khăn. Mặt khác công nhân chúng tôi cũng được hỗ trợ nhiều từ công ty hay tổ chức Công đoàn, nhất là khi ốm, đau. Có năm do dịch Covid-19 không về quê ăn Tết được, Công đoàn còn đến tận phòng trọ để hỗ trợ. Tuy nhiên, khi các con con càng lớn lên, tôi khao khát có một căn nhà nhỏ để ở”, chị Tuyền nói.

Công nhân và ước mơ về chốn “an cư”
Mua được nhà ở là nguyện vọng và niềm trăn trở của nhiều công nhân.

Mua được nhà ở cũng là nguyện vọng và là niềm trăn trở của anh Phạm Văn Khánh (công nhân tại Khu công nghiệp Sài Đồng). Chia sẻ về lý do muốn mua nhà ở thành phố, ông bố 2 con này bày tỏ, mặc dù ở Hà Nội chi phí đắt đỏ hơn song điều kiện học tập, y tế vẫn thuận tiện hơn so với quê ở Bắc Kạn. Anh Khánh cũng đã nhiều lần tìm hiểu về các dự án nhà ở giá rẻ nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được.

Theo anh Khánh, công nhân ngoại tỉnh nếu mua được đất xây nhà đếm trên đầu ngón tay, hoặc nếu có cũng được gia đình 2 bên nội, ngoại hỗ trợ mới đủ vốn. Anh Khánh tâm sự, cuộc sống của vợ chồng công nhân nhiều lúc rơi vào khó khăn, nguyên nhân chính cũng bởi vì thiếu tiền và không có chỗ ở ổn định.

“Với mức thu nhập chưa đến 10 triệu đồng/tháng, tiền dành dụm của tôi được không nhiều. Trong khi còn phải lo rất nhiều thứ như ăn học của con, nuôi bố mẹ già ở quê, vật giá đắt đỏ từng ngày. Giá mua được nhà ở đây với giá hợp lý thì tốt, giấc mơ “an cư” lạc nghiệp với chúng tôi sẽ không còn xa vời”, anh Khánh chia sẻ.