Ngân hàng mở room tín dụng, có rộng cửa cho các doanh nghiệp bất động sản? Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan này đã có văn bản gửi tới các tổ chức tín dụng về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022.

Theo tìm hiểu, hạn mức cấp thêm đợt này dao động từ 0,7% đến 4% room tín dụng so với mức cũ, tùy từng ngân hàng. Thí dụ, hạn mức được cấp thêm của Sacombank (STB) là 4%; HDBank 3,4%; MB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%; Agribank 3,5%. Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%; TPBank 1,2%...

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Vietcombank.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Vietcombank.

Tiếp vốn cho doanh nghiệp

Công ty TNHH Junma Phú Thọ là một doanh nghiệp FDI hoạt động tại tỉnh Phú Thọ, chuyên sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo Giám đốc nhân sự Cù Đức Hoàng Tài, công ty vay vốn Agribank từ năm 2018 đến nay.

Giai đoạn dịch Covid-19, nhiều thời điểm công ty không xuất được hàng, lao động không có việc làm. Khi đó, Agribank đã hỗ trợ cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giúp công ty vượt qua khó khăn, duy trì lương cho người lao động, chuẩn bị nguyên vật liệu đợi cơ hội thị trường phục hồi.

“Hiện nay, mặc dù thị trường vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, song nguồn vốn vay 100 tỷ đồng lãi suất thấp 5%/năm từ Agribank đã giúp công ty tiếp tục đầu tư sản xuất. Hiện chúng tôi đang xin nâng hạn mức vay lên 200 đến 500 tỷ đồng để phục vụ cho sự phục hồi thị trường cuối năm nay”, ông Cù Đức Hoàng Tài cho biết.

Cũng như Công ty Junma, đây là thời điểm rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay thêm vốn để phục vụ nhu cầu sản xuất tăng cao vào cuối năm. Nhưng thực tế, do hạn mức tăng trưởng tín dụng của phần lớn ngân hàng đã gần chạm trần cho nên nhu cầu nêu trên của các doanh nghiệp cũng chỉ được ngân hàng đáp ứng phần nào.

Chính vì vậy, thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại đã được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đón nhận.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), với việc một số ngân hàng được nới room tín dụng, các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng sẽ được tiếp tục vay vốn trở lại. Bởi hiện nay, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có vốn lớn để đầu tư cho nên toàn bộ đều vay ngân hàng, nhất là vào các tháng cuối năm cần đẩy mạnh thu mua, giao hàng dẫn đến nhu cầu vốn tăng rất cao.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cũng cho biết, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý chính là liều thuốc kích thích để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cần hướng dòng vốn này vào đúng nơi, đúng chỗ để đạt hiệu quả nhất.

Hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến ngày 26/8/2022, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Từ đầu năm 2022, áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu tác động đến cuộc sống người dân và nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô tại nhiều quốc gia, khiến hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Tại Việt Nam, với thực tiễn nhu cầu đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ thuộc lớn vào tín dụng của hệ thống ngân hàng, cho nên để điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng hằng năm và điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, qua đó đã góp phần đắc lực vào kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn.

Ngay từ đầu năm 2022, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, lạm phát bình quân khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng theo định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú

Căn cứ kết quả xếp hạng mới nhất, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị số 01, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị số 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cũng khẳng định, trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 là kiểm soát tốt lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tăng giới hạn tín dụng tối đa cho các tổ chức tín dụng trong năm 2022 để hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2022. Vietcombank được chấp thuận tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến ngày 31/12/2022. Như vậy, trong cả năm 2022, Vietcombank được tăng tín dụng ở mức 17,7% so với cuối năm ngoái.

Để được tăng thêm dư nợ tín dụng, trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã nỗ lực để đạt xếp hạng hạng A theo Thông tư 52 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quy định xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng thực hiện tốt các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân cũng như hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém.

Sau khi được tăng thêm dư nợ tín dụng, Vietcombank sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; đồng thời, kiểm soát tốt thanh khoản, kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, bảo đảm tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp, duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay bảo đảm ở mức hợp lý, hỗ trợ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho biết, về cơ bản tỷ lệ tín dụng được mở bám sát với tình hình thị trường, lạm phát. Doanh nghiệp cũng như ngân hàng mong đợi được bổ sung tín dụng cho những tháng cuối năm là cần thiết. Đến thời điểm hiện tại, lạm phát tương đối được kiểm soát, khả năng trong năm 2022 khoảng 4%.

Tăng trưởng kinh tế GDP năm 2022 dự báo cao hơn kế hoạch đặt ra đầu năm, hơn 7%, ở kịch bản tích cực có thể lên 7,3%-7,6%. Vì vậy, việc cấp thêm hạn mức tín dụng để cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế sẽ một phần hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế vào những tháng cuối năm tích cực hơn.

Theo Hồng Anh/nhandan.vn

https://nhandan.vn/cung-ung-nguon-von-de-phuc-hoi-tang-truong-post715446.html