Đà Nẵng, Bộ Tài chính, Viện Hàn lâm Khoa học đứng đầu về chuyển đổi số năm 2021
Khai thác dữ liệu là nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng Bộ Tài chính ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2021 là năm thứ hai triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, là năm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh chưa từng có tại Việt Nam. Việt Nam đã phát triển nhiều ứng dụng số, nền tảng số có nhiều chục triệu người dùng.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng năm 2021 Việt Nam đã phát triển nhiều ứng dụng số, nền tảng số. |
Qua thử thách này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trưởng thành rõ rệt về các nền tảng số quy mô lớn, về đảm bảo an toàn dữ liệu người dân, về triển khai các nền tảng số toàn quốc.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, giá trị trung bình DTI năm 2021 cấp bộ cung cấp dịch vụ công là 0,4595, tăng 15,4% so với năm 2020 (0,3982). Giá trị trung bình DTI 2021 cấp tỉnh là 0,4014, tăng mạnh 32,7% so với năm 2020 (0,3026).
Giá trị trung bình DTI 2021 cấp bộ không cung cấp dịch vụ công là 0,2151, giảm so với năm 2020 (0,2342). Lý do là năm 2021 có thêm 2 cơ quan lần đầu tiên tham gia đánh giá DTI là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là các cơ quan mới ở giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số.
Hiện nay người dân thực hiện khai báo y tế, thanh toán... thông qua các nền tảng số. |
12/89 bộ, tỉnh (6 bộ và 6 tỉnh) tham gia đánh giá có giá trị DTI 2021 đạt từ mức 0,5 trở lên, chiếm 13,48%. Kết quả này cho thấy quá trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 vẫn ở giai đoạn đầu, chưa có sự bứt phá lớn.
Đáng chú ý, chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2021 của các bộ ngành thì Bộ Tài chính tiếp tục duy trì vị trí thứ nhất về DTI của các bộ cung cấp dịch vụ công với giá trị 0,6321, tăng so với năm 2020 (0,4944). Về xếp hạng các chỉ số chính, Bộ Tài chính đứng thứ nhất về hạ tầng số và hoạt động chuyển đổi số.
Về DTI cấp tỉnh, trong bảng xếp hạng năm 2021, Đà Nẵng lần thứ hai liên tiếp xếp vị trí thứ nhất về DTI cấp tỉnh với giá trị 0,6419. Top 10 tỉnh/Thành phố đứng đầu về DTI 2021 gồm: Đà Nẵng; Thừa Thiên - Huế; Hồ Chí Minh; Bắc Ninh; Lạng Sơn; Ninh Bình; Quảng Ninh; Thái Nguyên; Bình Phước; Bắc Giang.
Về DTI của các bộ không cung cấp dịch vụ công, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng đầu với giá trị 0,4736, tăng 66,29% so với năm 2020 (0,2848).
Từ kết quả đánh giá DTI 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra nhận định, chỉ số DTI trung bình của các bộ, tỉnh còn thấp, do đó các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt dành nguồn lực chuyển đổi số để đạt được những mục tiêu đến năm 2025.
Cấu trúc DTI 2021 bao gồm 3 cấp: DTI cấp tỉnh; DTI cấp bộ và DTI cấp quốc gia. Cấu trúc DTI cấp tỉnh: 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; Chỉ số đánh giá gồm: 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. Cấu trúc DTI cấp bộ: Chỉ số đánh giá, 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. Cấu trúc DTI cấp quốc gia: 24 chỉ số, các chỉ số này thể hiện mức độ đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời tham chiếu đến các chỉ số được sử dụng trong đánh giá của quốc tế. |
Bình luận