Nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng "khát" lao động

Áp dụng nhiều chính sách phúc lợi để thu hút lao động

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thanh Nga, bộ phận nhân sự một công ty chuyên tổ chức tour du lịch Huế - Đà Nẵng - Hội An cho biết, hai năm dịch Covid-19 xảy ra, công ty bất đắc dĩ phải cho hơn 15 nhân viên nghỉ việc hoàn toàn. Từ đầu năm 2022, công ty bắt đầu tuyển lại 20 lao động để làm việc.

“Du lịch thành phố phục hồi, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ai cũng cần lao động có kinh nghiệm. Chúng tôi liên hệ lại những nhân viên cũ để gọi về làm thì có người đã đi Thành phố Hồ Chí Minh tìm được việc, có người đầu quân công ty khác khi mức lương được trả cao, còn có người thì xin công việc trái nghề nhưng đã ổn định nên không muốn bắt đầu lại từ đầu.

Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp khó tuyển đủ lao động
Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động tại một ngày hội việc làm ở Đà Nẵng. (Ảnh minh họa)

Chính vì vậy, chúng tôi chạy thông tin đăng tuyển mạnh ở nhiều kênh như Facebook, website trung gian cho người tìm việc, thậm chí thưởng cho nhân viên mới có kinh nghiệm vào làm việc ngay 1 triệu đồng. Dù đã đưa ra nhiều chính sách phúc lợi rất tốt nhưng đến nay mới tuyển được 14 người, vẫn đang chạy tuyển thêm vì nhân viên mới có dấu hiệu nghỉ việc khi làm thời gian ngắn”, bà Nga chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Tuấn Linh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính công ty hoạt động ở lĩnh vực thủy sản cho biết, trong đợt dịch Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp có khoảng 900/2.500 lao động nghỉ việc. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng cao sau dịch, công ty giao tuyển mới hơn 1.100 lao động.

“Chúng tôi tuyển mới số lượng lớn, tuy nhiên tuyển nhiều tháng liền vẫn chưa đủ người. Có lao động mới vào làm việc được một thời gian thì nhảy việc qua công ty khác; lao động muốn làm việc tự do như chạy Grab, hay lao động có con nhỏ muốn ở nhà chăm con, khi nào rảnh thì mới đến làm thời vụ,…”, ông Linh kể.

Theo vị Trưởng phòng này, để có lao động đáp ứng việc sản xuất, ông trực tiếp tham gia tuyển dụng lao động qua các phiên giao dịch việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng). Bên cạnh đó, công ty thường xuyên liên hệ các địa phương như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi,…rồi đưa xe ô tô về trực tiếp tổ chức tuyển dụng, đưa lao động về làm việc.

Ngoài ra, công ty cũng thu hút được lượng lao động mới về làm việc qua truyền miệng, giới thiệu từ lao động chính thức của công ty. Ông Linh đánh giá, cách làm này hiệu quả, bởi chính nhân sự công ty biết chế độ phúc lợi đảm bảo cho người lao động.

Một trường hợp khác là công ty của bà Lý Thị Thanh, chuyên về kinh doanh vật liệu xây dựng, xây nhà ở, hiện đang tuyển mới 20 lao động. Bà Thanh chia sẻ, 7 tháng qua bà nóng ruột khi tuyển mới được 10 người thợ xây và tiếp thị thị trường vật liệu xây dựng.

Theo bà Thanh, ngoài giao cho bộ phận nhân sự trực tiếp đăng tuyển dụng trên các kênh truyền thống, bà qua bạn bè giới thiệu đã đi tìm gặp các đội, nhóm xây dựng nhỏ lẻ ở các địa phương lân cận Đà Nẵng. Mục đích là ký hợp tác liên kết trong kinh doanh vật liệu, tổ chức xây công trình nhà ở khi có dự án mới.

“Các doanh nghiệp cạnh tranh nhau, việc tuyển dụng mới khó khăn. Trước mắt thì tôi sẽ hợp tác, khoáng khối lượng công trình với các đội, nhóm xây dựng nhỏ lẻ. Về lâu dài, tôi sẽ xem xét thay đổi, nâng cao hơn phúc lợi cho người lao động để họ yên tâm khi vào làm việc”, bà Thanh nói.

Lao động đã qua đào tạo được tuyển dụng nhiều

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng đối với nhóm lao động đã qua đào tạo đạt 12.653 lao động (tương đương 67,7% tổng nhu cầu tuyển dụng). Trong đó, yêu cầu từ trình độ đại học trở lên là 1.342 lao động (tương đương 7,2%), cao đẳng là 1.172 lao động (tương đương 6,3%), trung cấp là 1.907 lao động (tương đương 10,2%), sơ cấp là 2.946 lao động (tương đương 15,8%) và công nhân kỹ thuật không bằng là 5.286 lao động (tương đương 28,3%).

Còn lại là nhóm lao động chưa qua đào tạo với 6.036 lao động, tương đương 32,3% tổng nhu cầu tuyển dụng.

Nhu cầu tuyển dụng của nửa đầu năm 2022 tập trung chủ yếu tại nhóm lao động đã qua đào tạo. Điều đó cho thấy, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, sự thiếu hụt nguồn nhân lực đối với những vị trí yêu cầu có trình độ đang là một vấn đề cấp thiết đối với doanh nghiệp.