Đẩy mạnh chuỗi cung ứng ngành điện tử
ASEAN là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử mạnh mẽ Trao giải báo chí về khoa học và công nghệ năm 2021 Facebook, Google, TikTok, Netfix đã nộp bao nhiêu tiền thuế ở Việt Nam? |
Bà Đỗ Thị Thuý Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết: Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử đạt trên 108 tỷ USD (chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), xuất siêu của ngành khoảng 11,5 tỷ đô la Mỹ trong khi cả nước chỉ xuất siêu 4 tỷ USD. Năm 2022, đến hết tháng 9, xuất khẩu của ngành điện tử tiếp tục dẫn đầu với giá trị xuất khẩu xấp xỉ 87 tỷ USD và xuất siêu là 12,5 tỷ USD trong khi cả nước xuất siêu là 6,5 tỷ USD, góp phần cân đối cán cân ngoại tệ và thương mại cho cả nước.
Những con số trên cho thấy tỷ trọng xuất siêu của ngành điện tử bắt đầu tăng dần so với những năm trước; giá trị gia tăng, giá trị cộng thêm của sản xuất trong nước ngày càng lớn. Đây là kết quả của chính sách thu hút FDI phù hợp, có chọn lọc và chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo, trong đó có lĩnh vực điện tử. Sự hỗ trợ này tạo đà cho ngành điện tử khởi sắc hơn.
Điện tử là lĩnh vực liên tục dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. (Đồ họa minh họa: BT) |
Đề cập đến vị trí của ngành điện tử Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Đỗ Thị Thuý Hương chia sẻ: Ngành điện tử hầu hết sản xuất gia công, còn những sản phẩm có thương hiệu để xuất khẩu gần như không có. Khi ngành điện tử Việt Nam hội nhập với thế giới, các nước đã có những bước tiến rất dài, phát triển nhanh trong khi chúng ta ở xuất phát điểm thấp.
Khi đi cùng với các doanh nghiệp nước bạn, doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia theo góc độ sản xuất gia công để từng bước điều chỉnh năng lực sản xuất, năng lực quản trị và đầu tư thiết bị theo chuỗi. Các doanh nghiệp trong nước cũng hưởng lợi khá nhiều từ chuỗi cung ứng cung ứng toàn cầu của ngành điện tử về quy trình công nghệ, kỹ năng quản trị, tiếp cận thị trường một cách bài bản và chuyên nghiệp.
Có thể khẳng định, các Hiệp định thương mại tự do mới góp phần đem lại nhiều sức sống và cơ hội cho doanh nghiệp. Tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất của ngành điện tử tập trung vào thị trường Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác, trong đó có các quốc gia thuộc hiệp định CPTPP khu vực châu Mỹ như là Canada, Chile, Peru. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành điện tử không trực tiếp xuất khẩu nhiều, chủ yếu xuất thông qua chuỗi cung ứng của ngành điện tử.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương cho biết, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử tiếp nhận khá nhiều đơn hàng, yêu cầu của đối tác từ khu vực CPTPP. Trong đó, đáng chú ý là đối tác Canada thông qua Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam ở Canada bày tỏ mong muốn thiết lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam chứ không chỉ tìm kiếm để hợp tác với một vài doanh nghiệp, đối tác đơn lẻ.
Cũng có rất nhiều ý kiến nói rằng tỷ trọng xuất khẩu của ngành điện tử tập trung vào doanh nghiệp FDI. Bà Đỗ Thị Thuý Hương không phủ nhận điều này nhưng cũng không thể phủ nhận con số gia tăng nội địa trong giá trị xuất khẩu điện tử ngày càng lớn, doanh nghiệp nội địa tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng và có đóng góp khá lớn.
Đơn cử như hãng Samsung khi mới vào Việt Nam chỉ có 1-2 nhà cung ứng trong nước nhưng đến nay Samsung đã có trên 200 nhà cung ứng là doanh nghiệp trong nước, trong đó có 51 doanh nghiệp là nhà cung ứng lớp 1 trực tiếp với Samsung.Không chỉ cung ứng cho Samsung, nhiều doanh nghiệp nội địa trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp điện tử hàng đầu Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam như Canon, Panasonic,… Điều này cho thấy năng lực cung ứng của doanh nghiệp nội địa đã được cải thiện rất nhiều.
Tuy nhiên, đáng tiếc là đến nay chưa có một con số thống kê đầy đủ về giá trị gia tăng của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng cũng như những giá trị đó đóng góp cho xuất khẩu. Hiện nay, con số xuất khẩu chỉ thể hiện ở doanh nghiệp đầu chuỗi khi xuất khẩu và khai báo hải quan, chưa có con số cụ thể cho thấy doanh nghiệp nội làm được bao nhiêu, doanh nghiệp FDI làm được bao nhiêu. Chỉ khi có sự rõ ràng như vậy mới thấy nỗ lực của doanh nghiệp trong nước cũng như là cơ sở để các cơ quan chức năng có chính sách phù hợp.
Bảo Thoa
Bình luận