Tăng cường quản lý tiến độ, chất lượng các dự án giao thông Thực trạng hoạt động cấp tín dụng dự án đầu tư theo hình thức PPP Giải phóng mặt bằng nhanh giúp tăng cường tiến độ xây dựng các dự án đường cao tốc

Giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất

Trong đó, về chính sách tài chính, ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, kế thừa cơ bản Luật Thủ đô 2012, đồng thời luật hoá một số quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội, Điều 36 dự thảo Luật quy định ngân sách thành phố Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố.

Các khoản thu này dành để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, vùng Thủ đô, các dự án PPP, dự án giao thông công cộng, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời. Tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.

Đồng thời, cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để đầu tư các dự án liên tỉnh trong vùng Thủ đô và hỗ trợ các địa phương phát triển. Quy định này được thiết kế để phù hợp với tình hình hiện nay là các dự án đầu tư có tính động lực liên vùng cần nguồn tài chính lớn, nhất là các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm, trong khi đó một số địa phương trong vùng Thủ đô có điều kiện kinh tế - xã hội hoặc ngân sách trung ương chưa cân đối được nguồn vốn nên các dự án này chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện.

Đề xuất Hà Nội được quyết định sử dụng ngân sách Thành phố để đầu tư các dự án liên tỉnh
Dự thảo Luật quy định dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, nhằm thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, dự thảo Luật cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (tương tự như chính sách đang được áp dụng cho tỉnh Khánh Hoà).

Dự thảo Luật quy định mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao của Thủ đô.

Quy định dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD.

Phân quyền thẩm quyền đầu tư cho Thành phố

Dự thảo Luật cũng đề xuất cho phép thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng đất hoặc tiền đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội; quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nhằm tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội mạnh dạn thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng và giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết…

Phân quyền thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Chẳng hạn như Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng; các dự án liên tỉnh nằm trong Vùng Thủ đô; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 500 ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên…

Đồng thời, để tạo sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn tại Thủ đô, dự thảo Luật cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định về các dự án, ngành, nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược, điều kiện của nhà đầu tư chiến lược; quy định về đối tượng ưu đãi đầu tư; nội dung ưu đãi…

Thẩm tra dự án Luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tán thành với các quy định về các chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô tại Chương IV nhưng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn một số nội dung để bảo đảm tính khả thi.

Cụ thể như nghiên cứu để có các quy định phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội trong phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, thực hiện mô hình thử nghiệm có kiểm soát và quản lý tài sản công; các chính sách ưu đãi về thuế, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược…