Kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng tuyến Nhổn - Ga Hà Nội Chậm nhất tháng 12/2022 phải hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Phan Thiết TPHCM “chạy đua” giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3

Tại hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì cùng các Bộ, ngành và một số địa phương trong cả nước vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư Xây dựng Bộ Giao thông Vận tải Lê Quyết Tiến cho biết, đường bộ cao tốc là công trình cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn, rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng, miền, có ưu điểm lớn trong kết nối các loại hình giao thông, kết nối các trung tâm kinh tế - chính trị, cảng biển và cảng hàng không quốc tế...

Giải phóng mặt bằng nhanh giúp tăng cường tiến độ xây dựng các dự án đường cao tốc
Với bất kỳ dự án xây dựng đường cao tốc nào, khâu giải phóng mặt bằng cũng góp phần quan trọng. Giải phóng mặt bằng nhanh giúp đưa dự án "về đích" đúng hẹn.

Theo ông Lê Quyết Tiến, giai đoạn 2001 - 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89km đường cao tốc. Trong giai đoạn 2011 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng XI, được cụ thể hóa tại Nghị quyết 13-NQ/TW xác định hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, là điểm nghẽn của quá trình phát triển; đồng thời xác định đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Giai đoạn này đã đưa vào khai thác thêm 1.074km, nâng tổng số chiều dài đường bộ của nước ta đến hết năm 2020 lên 1.163km.

Thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng về phát triển hạ tầng giao thông trong đó có đường bộ cao tốc, từ năm 2020 đến nay Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566km (trong đó có 166km do các địa phương đầu tư hoặc là cơ quan chủ quản), nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729km, như vậy chỉ trong 3 năm đã hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, Cục Quản lý đầu tư Xây dựng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, trong 3 năm tới phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300km đường cao tốc.

Từ thực tiễn triển khai các dự án cao tốc trong thời gian qua, theo Cục trưởng Lê Quyết Tiến, Bộ Giao thông Vận tải đã đúc kết các bài học kinh nghiệm. Cụ thể, là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua các văn bản, công điện, các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, các chuyến kiểm tra hiện trường để đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc;

Nâng cao nhận thức về vị trí vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển đường bộ cao tốc coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng. Do vậy các bộ, ngành địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, phát huy tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với việc tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận cao của quần chúng nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp khi triển khai đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó góp phần tăng cường tiến độ xây dựng các dự án đường cao tốc.