Đề xuất nhiều chính sách tài chính, ngân sách trong sửa Luật Thủ đô
Bộ Tài chính thông tin về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với gỗ, cao su Nâng cao kiến thức tài chính cho giới trẻ Ngành tài chính chống thất thu hơn 5.500 tỷ đồng trong quý 1 |
Trong dự thảo Tờ trình Chính phủ nêu rõ, về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô, dự thảo Luật kế thừa cơ bản nội dung của Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời luật hoá một số quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội mà qua quá trình triển khai trong thực tế cho thấy, các chính sách thí điểm này là phù hợp, hiệu quả, có thể đề xuất luật hoá để thực hiện chính thức.
Theo đó, dự thảo Luật quy định ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và thưởng cho Thủ đô tương ứng toàn bộ số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.
Bộ Tư pháp họp góp ý các quy định của dự thảo Luật Thủ đô về tài chính - ngân sách và nguồn lực phát triển Thủ đô. |
Đồng thời, luật hóa quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 về việc phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quy định một số loại phí, điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí và cho phép ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí này để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, phúc lợi xã hội; quy định Thành phố được vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp (tương ứng với cơ chế đặc thù đang được đề xuất cho thành phố Hồ Chí Minh).
Liên quan đến việc huy động các nguồn lực từ các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê dất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội, hiện có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để tạo nguồn lực ban đầu cho Hà Nội, cần có cơ chế đặc thù để Hà Nội có tiềm lực thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô, các dự án đầu tư theo phương thức PPP, dự án phát triển đô thị theo TOD, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời, thì cần thiết phải quy định ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trên cơ sở quy định của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về việc “có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu qua nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa trung ương và địa phương” thì dự thảo Luật không nên quy định về việc ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội. Vấn đề này nên nghiên cứu để quy định phù hợp khi sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung này (Luật Ngân sách nhà nước).
Dự thảo Luật đang thiết kế 2 phương án về nội dung này, cụ thể phương án 1 là Hà Nội được giữ lại 100% các khoản thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố; phương án 2 là không quy định nội dung này tại dự thảo Luật.
Cũng theo dự thảo Tờ trình Chính phủ, việc sửa Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Bình luận