Hiện thực hóa Thủ đô văn minh, hiện đại
Quy hoạch và phát triển đô thị là một trong những nội dung ưu tiên hợp tác Hà Nội sắp lập quy hoạch 4 khu công nghiệp mới Quy hoạch không gian biển Việt Nam vì đại dương bền vững |
Chuyển mình mạnh mẽ
Hà Nội với vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá - xã hội của cả nước. Bởi vậy, để khơi dậy tiềm năng, vị thế của một Thủ đô đang trong quá trình phát triển theo hướng hiện đại, yêu cầu của quy hoạch đặt ra việc Hà Nội phải không ngừng mở rộng và phát triển.
Theo tìm hiểu, tháng 8/2008, Hà Nội được Quốc hội điều chỉnh địa giới với việc hợp nhất với tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Thời điểm này, Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích tăng gấp 3,6 lần, từ 924km2 lên 3.344km2 (là đô thị có quy mô lớn nhất cả nước, dân số 6.232.940 người), trở thành 1 trong 17 thành phố có diện tích lớn nhất thế giới.
Diện mạo Thủ đô ngày một khang trang. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Sau mở rộng, đến ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Cùng đó, thành phố Hà Nội đã tiến hành lập và phê duyệt đồng loạt các quy hoạch chuyên ngành (hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội), quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, các huyện ngoại thành, quy hoạch phân khu các khu vực thuộc đô thị trung tâm... Nhờ đó, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi, khang trang, hiện đại. Vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được nâng cao trên trường chính trị - văn hóa - xã hội, cũng như là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước lẫn quốc tế.
Sự phát triển của Hà Nội có thể dễ dàng nhìn thấy từ hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô. Theo đó, hiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội ngày càng được đồng bộ. Hiện Hà Nội đã hoàn thành và khép kín một số trục giao thông như: Đường Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; khởi công Vành đai 4; các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng (nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - đường Thanh Niên)... đã đem đến bộ mặt đô thị Hà Nội đổi mới, hiện đại.
Làm sao để bứt phá?
Dù đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên quá trình thực hiện và phát triển của Hà Nội còn chưa đồng bộ. Minh chứng dễ thấy, hiện các đô thị vệ tinh, thị trấn, đô thị sinh thái tại Hà Nội chậm triển khai hạ tầng kết nối, chưa xác lập triển khai chính quyền đô thị thích hợp kịp thời. Khu vực xây dựng nông thôn mới còn tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp, bảo tồn khu cảnh quan tự nhiên và đặc thù chưa kiểm soát chặt chẽ. Một số khu đô thị mới còn phát triển riêng lẻ, thiếu liên kết. Các đô thị vệ tinh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do thiếu cơ chế chính sách, tạo thuận lợi, thu hút doanh nghiệp, sáng tạo…
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để phát triển Thủ đô theo từng giai đoạn. Vì thế, Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân tiếp tục góp ý xây dựng Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ. |
Chính bởi vậy, việc nhận diện những bất cập đã bộc lộ sẽ giúp Hà Nội xác định rõ hạn chế để phát triển. Được biết, theo Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hình ảnh Thủ đô Hà Nội tương lai sẻ trở thành Thành phố di sản, có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến và được bảo tồn, phát huy, nâng tầm bằng công nghệ số.
Thứ hai, Hà Nội sẽ là Thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; hệ thống cây xanh và mặt nước là điểm nhấn tiêu biểu của đô thị; trung tâm khoa học công nghệ - giáo dục đào tạo, chuyển đổi số của cả nước; chính quyền số, xã hội số, công dân số; người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Thứ ba, Hà Nội hướng đến mục tiêu là Thành phố đặc sắc, là điểm đến của du lịch văn hoá, ẩm thực và trung tâm dịch vụ chất lượng cao; Thành phố của các sự kiện quốc tế thường niên, thành phố sáng tạo. Được biết, điểm nhấn thứ tư Hà Nội hướng đến là, Thành phố hội nhập toàn cầu, nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa, đưa hình ảnh của Thủ đô, đất nước hòa bình, thịnh vượng, mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tại buổi họp báo thông tin về Hội thảo khoa học “Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Lê Ngọc Anh, Thành ủy viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội thông tin, ngày mai (29/9), tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ diễn ra Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Dự kiến Hội thảo sẽ quy tụ hơn 300 đại biểu. Đến hội thảo, các nhà khoa học sẽ cho ý kiến thêm về quan điểm về tổ chức không gian của Thủ đô.
Trong đó, chú trọng đề cập đến sự hài hoà, hợp lý, có bản sắc của Thủ đô di sản nghìn năm văn hiến; mở rộng không gian đô thị xanh, thông minh, hiện đại; giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa khu vực nông thôn mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng.
Các nội dung quan trọng về tổ chức không gian phát triển sẽ được các chuyên gia gợi ý định hướng nghiên cứu các nội dung như phát triển thành phố trực thuộc Thủ đô gồm: Thành phố tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và Thành phố phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Vấn đề phát triển hạ tầng giao thông cũng đặc biệt được quan tâm trong công tác quy hoạch Thủ đô. |
Đặc biệt, với tầm nhìn quy hoạch dài hạn, 3 tuyến hành lang kinh tế gồm: Hành lang (Côn Minh, Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; hành lang Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội cũng sẽ được đề cập và thảo luận.
Dịp này, 4 không gian chú trọng phát triển như: Không gian số (môi trường quan trọng trong thời đại mới); không gian văn hóa (mở rộng không gian để khai thác hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô); không gian ngầm; không gian công cộng, chú trọng không gian xanh, đặc biệt là mặt nước sông, hồ. Đặc biệt là 5 trục phát triển quan trọng gồm: Trục sông Hồng (Là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông); Trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh (là trục giao thông đối ngoại, hướng tâm, tạo chuỗi đô thị xanh, hiện đại) và Trục Nhật Tân - Nội Bài (Trục đô thị thông minh - đối ngoại); Trục liên kết phía Nam (trục liên kết Vùng) và trục Hồ Tây - Cổ Loa (trục không gian văn hóa). Cuối cùng là 5 tuyến vành đai đô thị cùng với các trục giao thông hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị sẽ tạo nên các không gian phát triển mới của Thủ đô sẽ được thảo luận để phác họa rõ nét hơn bức tranh Thủ đô trong tương lai.
Rõ ràng, một thành phố có văn minh, hiện đại hay không thì điều kiện cần và đủ chính là việc đầu tư quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng xã hội. Tin tưởng rằng, tương lai không xa Thủ đô sẽ phát triển ngày càng đồng bộ, văn minh và hiện đại.
Bình luận