Để xuất sửa đổi quy định quản lý nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp
Giải trình nhiều vấn đề liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp Hơn 45 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm |
Theo Bộ Tài chính, quá trình tổng kết, đánh giá thi hành Nghị định số 148 cho thấy có nhiều vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tế chưa được quy định đầy đủ, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết nhằm điều chỉnh và khắc phục những hạn chế hiện hành.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Một trong những nội dung quan trọng được đề xuất sửa đổi là quy định về đối tượng áp dụng. Theo đó, dự thảo Nghị định bổ sung vào điểm c khoản 1 Điều 2 các đối tượng như doanh nghiệp được sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu từ doanh nghiệp cấp 1, đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm cả ngân hàng thương mại cổ phần và doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cũng như doanh nghiệp cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp 1 nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Bộ Tài chính cho biết việc bổ sung này nhằm bao quát các trường hợp doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính với ngân sách, hoặc đã chuyển giao quyền sở hữu vốn về SCIC song vẫn còn tồn tại nghĩa vụ nộp ngân sách phát sinh trước thời điểm Nghị định 148 có hiệu lực.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi quy định tại Điều 7 liên quan đến các khoản chi và thủ tục chi. Hiện tại, Nghị định 148 quy định các khoản chi thường xuyên gồm bù đắp phần kinh phí còn thiếu đối với chi phí chuyển nhượng vốn nhà nước, quyền mua cổ phần hoặc quyền góp vốn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo đề xuất sửa đổi theo hướng đơn giản hóa và rõ ràng hơn: chi phí chuyển nhượng vốn nhà nước, quyền mua cổ phần hoặc quyền góp vốn sẽ được xác định và thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Trước ngày 1/4/2022, các khoản chi này được thực hiện từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Nhưng theo Điều 15 Nghị định 148, Quỹ đã kết thúc hoạt động từ thời điểm đó, do vậy chi phí chuyển nhượng vốn hiện nay thuộc trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và được chi từ ngân sách nhà nước. Việc sửa đổi quy định nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các khoản chi này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
T.An
Bình luận