Đề xuất tổ chức cơ quan chuyên môn cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Đề xuất bổ sung các trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp Đề xuất tăng mức phạt tiền với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả |
Theo dự thảo, các phòng chuyên môn cấp xã sẽ được tổ chức để tham mưu, giúp việc cho Ủy ban nhân dân cấp xã trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ giữ vai trò trung tâm, giúp tổ chức chương trình, kế hoạch công tác, đảm bảo điều kiện hoạt động của lãnh đạo địa phương, thực hiện quản trị nội bộ, đồng thời đảm nhiệm các nhiệm vụ pháp lý như theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, hộ tịch, chứng thực, hòa giải ở cơ sở và hỗ trợ công tác tư pháp nói chung. Ở những xã có đường biên giới, văn phòng còn tham mưu thêm về công tác ngoại vụ và biên giới.
Về khối kinh tế, các địa phương sẽ tổ chức Phòng Kinh tế (đối với xã và đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc). Các phòng này sẽ đảm nhận việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tài chính, đầu tư, phát triển doanh nghiệp nhỏ, kinh tế hợp tác và các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Ngoài ra, các lĩnh vực như quy hoạch xây dựng, hạ tầng đô thị, nhà ở, giao thông, thương mại, công nghiệp, vật liệu xây dựng, cũng nằm trong chức năng quản lý của phòng chuyên môn này. Trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, phòng sẽ đảm nhiệm việc quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, nông nghiệp, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn và bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông – lâm – thủy sản.
Một phòng quan trọng khác là Phòng Văn hóa – Xã hội, có chức năng tham mưu về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, cải cách hành chính, thi đua khen thưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như các lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, người có công và bình đẳng giới. Phòng này cũng phụ trách lĩnh vực giáo dục mầm non, phổ thông cơ sở; văn hóa, thể thao, thông tin, chuyển đổi số; khoa học công nghệ và công tác y tế như y tế dự phòng, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội (trừ cai nghiện ma túy).
Căn cứ vào quy mô dân số, diện tích, đặc điểm phát triển kinh tế – xã hội và các yếu tố đặc thù, Ủy ban nhân dân cấp xã có thể lựa chọn thành lập các phòng chuyên môn hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên trách để thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa bàn. Trường hợp không thành lập phòng chuyên môn, số lượng công chức cấp xã được bố trí không vượt quá 40 biên chế theo vị trí việc làm. Việc phân bổ biên chế sẽ do chính quyền cấp tỉnh quyết định trong phạm vi tổng biên chế được cấp có thẩm quyền giao.
Dự thảo cũng quy định khung số lượng phòng chuyên môn tối đa. Cụ thể, với các xã, phường hoặc đặc khu có quy mô dân số trên 60.000 người, có thể được tổ chức thêm không quá một phòng chuyên môn. Riêng đặc khu Phú Quốc được phép tổ chức tối đa năm phòng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu quản lý. Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc UBND cấp xã sẽ tiếp tục được duy trì và thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Với dự thảo này, Bộ Nội vụ kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính cấp cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp hơn, phù hợp với thực tiễn phát triển tại từng địa phương.
P.T
Bình luận