Người lao động phi chính thức phải đối mặt với nhiều thiệt thòi Để người lao động yên tâm làm việc
Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động gặp khó
Công nhân của Cty CP Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công (TPHCM). Ảnh: Đức Long

Doanh nghiệp càng nhỏ, càng khó khăn

Ông Quách Mẫn Nghĩa - Chủ tịch CĐ Công ty Always Việt Nam (KCX Tân Thuận) - cho biết, đơn hàng năm 2023 đã bị hủy khoảng 50%. Hiện Công ty đang “giãn đơn hàng”, nghĩa là nhiều đơn hàng năm 2022 sẽ được đưa vào kế hoạch sản xuất của năm 2023. “Do Công ty không có đủ lao động theo dự kiến (khoảng 2.500 người), mà mới chỉ có 2.000 người, nên thực tế CN chưa bị thiếu việc. Nếu có đủ 2.500 CN thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu việc ngay”, ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân - cho biết, theo chu kỳ, tháng 8, 9 thường là thời điểm ít đơn hàng của ngành dệt may gia công xuất khẩu. Hiện trên địa bàn quận có một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nhưng chưa đến mức phải cho NLĐ nghỉ thứ bảy mà mới chỉ dừng ở lại việc giảm hoặc không tăng ca.

Những nơi khó khăn nhất là doanh nghiệp nhỏ có dưới 100 lao động phải nhận gia công lại từ các doanh nghiệp lớn. Khi doanh nghiệp lớn ít đơn hàng thì sẽ ưu tiên bảo đảm việc làm cho CN của mình, cắt giảm đơn hàng gia công nên doanh nghiệp càng nhỏ càng khó khăn.

Điều này phù hợp với chia sẻ của một chủ doanh nghiệp (xin giấu tên) có gần 200 CN, chuyên gia công lại mặt hàng lĩnh vực dệt may xuất khẩu. Theo vị này, trước đây doanh nghiệp của ông khá ổn định việc cho CN. Do doanh nghiệp lớn gặp khó khăn đơn hàng, nên cách doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh nhau gay gắt, nhất là về giá. “Đơn hàng ít, để tồn tại, doanh nghiệp giảm đủ chi phí, giá nào cũng “hốt”, vị này buồn bã chia sẻ.

Doanh nghiệp cho công nhân nghỉ cả thứ bảy

Sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, các CN may của Công ty Cổ phần Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công (KCN Tân Bình, TPHCM) sẽ nghỉ ngày thứ bảy thay vì đi làm như trước đây. Anh Trần Kim Thành, Phân xưởng may 2A cho biết, xưởng có trên 600 CN và từ sau kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2.9 sẽ nghỉ thứ bảy theo hình thức nghỉ phép hưởng nguyên lương hoặc nghỉ không lương với những người đã hết ngày nghỉ phép.

Anh Thành cho biết thêm, trước đây, nếu đi làm đầy đủ, các công nhân có thu nhập từ 8,5 triệu đồng đến khoảng 12 triệu đồng/người/tháng, kể cả tiền làm thêm. Nay do phải nghỉ cả thứ bảy, một tuần chỉ làm 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng nên chắc chắn thu nhập của CN sẽ bị giảm sút.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công - cho biết, trước mắt trong hai tháng 9 và 10 công ty sẽ ít đơn hàng ngành may. Trước đó, các CN ở ngành dệt, sợi cũng đã giảm nhịp độ sản xuất vì ít đơn hàng.

Theo ông Tuấn, may mặc là ngành mang tính thời vụ, trong khi đơn hàng chủ yếu của công ty là hàng mùa hè, do đó tháng 9, 10 hằng năm là thời điểm “vùng trũng” của đơn hàng. Tuy nhiên, năm nay do nhiều yếu tố khách quan khiến nhu cầu giảm, ảnh hưởng đến đơn hàng của các doanh nghiệp gia công.

Ngoài ra, sau dịch COVID-19, Việt Nam tăng cường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp mua hàng ở Mỹ, Châu Âu đã mua hàng dự trữ, nên đến nay nhu cầu mua hàng giảm đi. Ông Tuấn cho biết, để thu nhập của CN không bị giảm quá nhiều, Cty sẽ bố trí cho NLĐ nghỉ phép hưởng nguyên lương vào thứ bảy. Trường hợp mới vào làm hoặc đã hết ngày nghỉ phép, thì tạm ứng ngày phép của năm 2023 hoặc xin nghỉ việc riêng không lương.

Bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam phụ trách phía Nam - cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang gặp khó khăn về đơn hàng do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraina.

Theo Nam Dương/laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-thieu-don-hang-nguoi-lao-dong-gap-kho-1089682.ldo