Người lao động phi chính thức phải đối mặt với nhiều thiệt thòi
Các loại hợp đồng lao động theo quy định hiện hành Tháng 8, Hà Nội giải quyết việc làm cho trên 16 ngàn lao động Phát triển thị trường lao động linh hoạt, đào tạo bài bản nhân lực chất lượng cao |
Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” do Chính phủ tổ chức mới đây, bà Caitlin Wiesen, quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam thông tin, tỷ lệ lao động không chính thức và chưa được đảm bảo phúc lợi rất cao khi có đến 80% không tình nguyện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Nguyên nhân do nhóm lao động này không ký hợp đồng lao động nên không được tham gia BHXH bắt buộc.
60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn
Báo cáo thống kê về việc làm phi chính thức được Tổng cục Thống kê và Viện Khoa học Lao động - Xã hội công bố cho thấy, hiện Việt Nam có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức, chiếm 57,2% tổng số lao động phi nông nghiệp, 3/4 tổng việc làm trong nền kinh tế.
Lao động phi chính thức thu nhập bấp bênh, đối diện với nhiều rủi ro và không được tham gia BHXH. |
Lao động phi chính thức được xác định dựa trên việc làm không chính thức, nghĩa là người lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo BHXH, bảo hiểm y tế, hay hưởng lương cố định.
Mặc dù, lao động trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng này.
Trong 21 nhóm ngành kinh tế, lao động phi chính thức tập trung chủ yếu ở 3 nhóm ngành chính gồm: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; và xây dựng.
Theo các chuyên gia xã hội học, lao động phi chính thức thường làm việc mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản liên quan đến công việc đang làm, chỉ thỏa thuận bằng miệng với chủ sử dụng lao động. Do đó, người lao động dễ bị bóc lột sức lao động.
Thậm chí, do môi trường làm việc không được tuân thủ theo một quy định chính quy nào nên người lao động phải làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm, môi trường sản xuất độc hại, không được bảo hộ nên rất dễ ốm đau, bệnh tật. Như vậy, dù là tiếp cận dịch vụ, an sinh xã hội hay tham gia vào cộng đồng, lực lượng lao động phi chính thức đều thiệt thòi.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động phi chính thức không có BHXH ở Việt Nam lên tới 97,9% và chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Chưa kể tiền lương bình quân/tháng của lao động phi chính thức (4,4 triệu đồng) thấp hơn lao động chính thức (6,7 triệu đồng) ở tất cả các vị trí việc làm.
Những nghiên cứu về lao động phi chính thức ở Việt Nam cũng đã chỉ ra, lực lượng lao động phi chính thức có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần lấp đầy khoảng trống thiếu hụt việc làm và thu nhập. Tuy vậy, các chính sách an sinh xã hội vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức.
Mặc dù, có đóng góp vào nền kinh tế nhưng cũng không thể phủ nhận chất lượng lao động phi chính thức hiện nay khá thấp. Có tới 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác.
Nhóm giải pháp tổng thể
Hiện nay, người lao động phi chính thức phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi như không được pháp luật lao động bảo vệ, không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội… Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết có hơn 97% lao động phi chính thức không có BHXH và chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc.
Về giải pháp dịch chuyển lao động khu vực phi chính thức vào khu vực chính thức để họ có thêm các gói an sinh hỗ trợ, ông Bùi Sỹ Lợi nêu các nhóm giải pháp tổng thể. Trong đó, cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp, chính sách an sinh bằng các gói hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam còn thiếu biện pháp bảo vệ hiệu quả cho các nhóm bị tổn thương ngoài các biện pháp đã có như bảo hiểm thất nghiệp hay những trung tâm dịch vụ cộng đồng. Chính điều này khiến lao động gặp khó khi tìm việc mới, tìm việc thay thế khi gặp khủng hoảng. Đáng nói là một số chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp ở Việt Nam cũng chưa phát huy hết hiệu quả. Thực tế này khiến 1/4 lao động Việt Nam hiện nay làm việc tại các doanh nghiệp không chính thức, không có hợp đồng lao động... |
Cụ thể, đầu tiên là phải tự tăng trưởng. Thứ hai, là sự cởi mở của doanh nghiệp để thu hút lao động như chi phí tuyển dụng, hỗ trợ người lao động về vấn đề nhà ở, giáo dục,...
Thứ ba, là tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nguồn nhân lực đó phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Phải củng cố, phát triển và đầu tư cho các cơ sở đào tạo dạy nghề bền vững, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo nhu cầu của thị trường. Đào tạo theo kế hoạch, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, “cung” đào tạo theo “cầu”.
Thứ tư, phải tiếp tục thực hiện các gói an sinh xã hội, từ Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện đảm bảo đời sống cho người lao động. Vấn đề cốt lõi là phải nắm chắc được sự biến động của thị trường lao động để kết nối cung - cầu lao động, phải làm sao cho 2 cung - cầu này gặp nhau thì sẽ giải quyết được vấn đề về thị trường lao động.
Bên cạnh những giải pháp đó, Nhà nước cần đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng cơ sở với mục tiêu là thu hút lao động, giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập.
“Cuối cùng là cần một cơ chế để nắm chắc lực lượng lao động, cần phân tích đánh giá để kết nối cung - cầu, xác nhận lại thị trường lao động trong tương lai, tránh trường hợp nhiều lao động thất nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp cũng phải thực hiện biện pháp đào tạo lại, trong quỹ bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta có một quỹ dành cho đào tạo tại doanh nghiệp để đi trước đón đầu và khắc phục sự biến động về kinh tế, chuyển đổi nghề nghiệp, dịch bệnh tác động… đào tạo thế này hướng đến việc giữ chân người lao động”, ông Lợi nhấn mạnh.
Bình luận