Doanh nghiệp tung hàng loạt chương trình kích cầu mua sắm dịp cuối năm
Nhộn nhịp chợ quà tặng online dịp Valentine [Infographic]: 10 mẹo mua sắm trong ngày Tết giúp bạn tiết kiệm Người dân Hà Nội, TP.HCM đang có xu hướng gia tăng mua sắm |
Đa dạng giải pháp kích cầu tiêu dùng
Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 cả nước ước đạt 536,3 nghìn tỉ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được nhờ sự vào cuộc của cả các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ trên cả nước cũng đã diễn ra khá sôi động và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng, thời trang, gia dụng.
Hà Nội triển khai loạt chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm dịp cuối năm (ảnh Đ.Đ) |
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng như chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, tháng khuyến mại tại nhiều địa phương, hội chợ hàng hóa Tết… cùng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cuối năm của các doanh nghiệp trong cả nước được diễn ra, thu hút người tiêu dùng.
Thực tế, hiện nay, các đơn vị lớn như: Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart, MM Mega Market... đã và đang liên tục thực hiện những đợt khuyến mãi lớn, kéo dài ở tất cả các ngành hàng.
Đơn cử, chuỗi hoạt động thuộc Chương trình Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2023 đang được triển khai mạnh trong thời gian qua. Chỉ tính riêng vào hai ngày Thứ bảy, Chủ nhật tuần thứ 2 của tháng 11 (tức ngày 11, 12/11), sự kiện “Ngày Vàng giá shock” đã được triển khai đồng loạt tại 50 “Điểm Vàng” của chương trình là các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng lớn tại Hà Nội như: Mediamart, BRGmart, Big C, MM Megamarket, Nguyễn Kim, Vultex, Saigon Co.opmart, Doji, Lan Chi, Hiền Lương, Winmart, Đức Thịnh…
Hay như tại chuỗi Big C và Go! miền Bắc (Tập đoàn Central Retail Việt Nam), Tháng Khuyến mại Hà Nội được tổ chức thường niên vào tháng 11 hàng năm đã trở thành tháng trọng điểm khuyến mại trong năm của BigC và Go! miền Bắc trong những năm gần đây.
Năm nay, đơn vị đã làm việc trước với các nhà cung cấp để có được mức giá và nguồn hàng tốt nhất. Bên cạnh chương trình Tháng Khuyến mại, BigC và Go! miền Bắc còn có chương trình 1.000 sản phẩm giá luôn thấp. Đơn vị cũng chú trọng đầu tư để vừa hỗ trợ người tiêu dùng vừa tạo lợi thế cạnh tranh với đối thủ. Ghi nhận trong tuần đầu tiên của Tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2023, mức tăng trưởng bán hàng khoảng 10,6%...
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR) chia sẻ, cùng với chuỗi sự kiện trên, tháng 9 vừa qua, sự kiện Viet Nam International Sourcing Expo 2023 do Bộ Công Thương tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đã giúp kết nối các nhà sản xuất kinh doanh trong nước với nhà nhập khẩu, kênh phân phối, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Từ đó, tạo ra sự dịch chuyển, tạo chuỗi sản xuất tiêu thụ một cách tốt nhất và có thể mở rộng hoạt động tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời, mở thêm kênh nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng hoá cho nội địa và xuất khẩu.
Kích cầu tăng trưởng thị trường nội địa
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, lần đầu tiên niềm tin của người tiêu dùng (CCI) tại Việt Nam rơi vào một trong những nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những yếu tố tác động làm thay đổi thị trường. Tỉ lệ đóng góp của khối nội chỉ khoảng 40% cho thấy khối ngoại đang lấn lướt.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận, hiện hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu trong nước vẫn đang gặp khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm và thu nhập của người lao động, nhất là tại các thành phố lớn, tập trung nhiều các khu công nghiệp. Thu nhập của một bộ phận người lao động giảm đồng nghĩa với việc thắt chặt các khoản chi tiêu tiêu dùng không thực sự cần thiết, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như lương thực, thực phẩm…
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn tại thị trường nội địa tung chương trình khuyến mại cuối năm nhằm kích cầu tiêu dùng (ảnh Đ.Đ) |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, với lợi thế dân số đông nên thời gian qua, dù chịu tác động của suy thoái kinh tế song thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có sức hút với các nhà đầu tư ngoại, các đối tác nước ngoài.
Đến hết quý 3/2023, đã có hơn 60 đoàn của các tổ chức, cơ quan ngoại giao... đã tiếp xúc, gặp gỡ để xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm nước ngoài vào phân phối ở thị trường Việt Nam. Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu cũng quay lại thị trường trong nước. Điều này khiến cho thị trường nội địa sôi động, cơ cấu nguồn hàng hóa đầu vào có sự dịch chuyển với sự thâm nhập mạnh mẽ của hàng ngoại. Đây cũng là xu hướng đầu tiên trong những xu hướng mà các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại đang tự vận động để thích ứng với thị trường.
Để thị trường nội địa duy trì đà tăng mạnh mẽ hơn nữa, theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới cần các chính sách tập trung vào doanh nghiệp nhiều hơn. Cụ thể, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được hoạch định, triển khai sớm hơn, liên tục, dài hơi hơn.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên quy mô toàn quốc để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi. Cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội như du lịch hợp lực với thương mại tạo nên sự phát triển, sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn.
Liên quan vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương, bà Lê Việt Nga chia sẻ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Song song với đó, Bộ chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; tổ chức các chương trình kết nối cung cầu giữa các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương khác trong cả nước trong những tháng cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối, đồng thời tìm kiếm nguồn hàng, giới thiệu các đặc sản vùng miền, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời tận dụng hiệu quả mùa vàng mua sắm cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng thị trường nội địa.
Bình luận