Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tìm cơ hội trong thách thức
CPTPP: “Đòn bẩy” cho hàng xuất khẩu Việt Nam Hiệp định CPTPP - cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu Việt Nam |
Rất nhiều khó khăn, thách thức với ngành dệt may trong năm 2022. Ảnh: Ngọc Hân |
Lạm phát tác động tới xuất khẩu dệt may
Trong bối cảnh lạm phát của một số quốc gia như Mỹ, EU tăng cao, người dân hạn chế chi tiêu, may mặc là một trong những nhóm hàng bị cắt giảm nhiều nhất. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Ông Trần Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phương Nam cho biết, doanh nghiệp của ông, chủ yếu sản xuất mặt hàng túi xách bằng chất liệu vải không dệt.
Các sản phẩm này trước đây được nhiều khách hàng ở Anh, Pháp, Nhật, Hàn ưa chuộng. Tuy nhiên, những năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của COVID-19 nên xuất khẩu gặp khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại nhưng chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, khối các nước EU do lạm phát tăng cao nên chưa có đơn đặt hàng nào.
Còn theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dệt may đạt khoảng 30,2 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây của ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu hàng dệt may trong 3 tháng 6, 7, 8 đều lập đỉnh liên tiếp và lần đầu tiên cán mốc 4 tỉ USD vào tháng 8.2022 (tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái).
Tuy nhiên, bước sang tháng 9, xuất khẩu dệt may giảm gần 1,2 tỉ USD so với tháng 8. Điều này cho thấy ngành này đã có sự giảm tốc và có thể đối diện với khó khăn thời gian tới.
Cập nhật thông tin từ các hãng sản xuất hàng may mặc trong nước gần đây cho thấy số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25-50% so với quý II/2022, chủ yếu do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.
Mặc dù nhiều công ty đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023 nhưng lượng đơn đặt hàng nhận được vẫn còn cách rất xa so với công suất hoạt động của những công ty này. Các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có khách hàng tập trung chủ yếu tại Hoa Kỳ và EU chịu tác động rõ rệt nhất.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) - nhận định ngành dệt may sẽ đối mặt với nhiều bất lợi trong thời gian tới: “Dự kiến các tháng cuối năm chỉ được 3,1 đến 3,2 tỉ USD”.
Cơ hội trong thách thức
Nhìn chung xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội trong năm 2022. Đơn cử ngành dệt may mặc dù đã có dấu hiệu giảm tốc, nhưng nhờ tăng trưởng cao trong những tháng trước đó, nên sau 9 tháng, xuất khẩu dệt may vẫn tăng 24,3% so với cùng kỳ, với 29,1 tỉ USD và dự báo cả năm vẫn có thể đạt mục tiêu 43,5 tỉ USD.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau 9 tháng, tăng trưởng xuất khẩu ghi nhận ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với mức tăng lần lượt 16,4% và 17,6%. Cả nước có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch; 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 63,9%.
Nhận định về tình hình xuất khẩu của Việt Nam, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, tình hình xuất khẩu 9 tháng đầu năm là một trong những điểm sáng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như lạm phát ở một số nước tăng cao, nhất là Mỹ và EU, đồng thời nguyên liệu đầu vào như giá xăng dầu, sắt thép, phân bón chưa hạ nhiệt. Điều này được phản ánh trong tháng 9 một số ngành xuất khẩu đã giảm tốc.
Thời gian tới, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng đối diện với khó khăn trong quá trình xuất khẩu.
Nói về cơ hội xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, những biến động của thị trường thế giới cũng có thể chính là cơ hội mở ra cho thị trường Việt Nam.
Do đó các doanh nghiệp cần phải phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định rõ xu hướng thị trường, tìm thấy các cơ hội mới để phát triển doanh nghiệp. Khi có cơ hội phải tranh thủ tận dụng, vì các nước khác cũng đang nhòm ngó những cơ hội tương tự.
Hiện tại, Mỹ đang đánh thuế hàng Trung Quốc lên đến 270%, điều này tạo sức ép cho hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Lúc này chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt, nhưng không thể vì thế đổ xô vào thị trường này mà không có sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm với những quy trình chuẩn hóa.
Vừa qua, Ấn Độ đã có chính sách cấm xuất khẩu gạo, điều này tạo ra những lợi thế cho Việt Nam. Doanh nghiệp Việt cần phải hợp tác chặt chẽ với các công ty xuất nhập khẩu ở các nước để xác định xu hướng và nhu cầu thị trường.
Theo
/laodong.vn
Bình luận