Hà Nội thu hút gần 900 triệu USD vốn FDI Thu hút vốn FDI trong 10 tháng năm 2023 của Bình Dương đạt hơn 1,3 tỷ USD Du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa “hút” vốn FDI Ngành bán lẻ Việt Nam: “Cuộc đua” khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến 20/2/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Các chỉ số trên cho thấy những tín hiệu tích cực trong thu hút FDI, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, có các dự án quy mô đầu tư vốn lớn lên đến hơn 400 triệu USD và hơn 600 triệu USD.

Trong 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,… như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên. Các địa phương này chiếm 74,3% số dự án mới và 81,7% số vốn đầu tư của cả nước.

Trong các ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tiếp tục có sức hút lớn và đang dẫn đầu về cả số dự án mới (chiếm 39,2%) và điều chỉnh vốn (chiếm 62,3%). Do đó, đây cũng là ngành có tổng vốn đầu tư dẫn đầu với gần 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ.

Lý do doanh nghiệp châu Âu
Các nhà đầu tư mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạ tầng như đường giao thông, sân bay, cảng biển, logistic tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Tiếp đến là hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ. Các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ lần lượt sau đó với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 125,2 triệu USD và gần 76,4 triệu USD.

Trong khảo sát hàng quý do EuroCham thực hiện cho thấy chỉ số niềm tin của doanh nghiệp châu Âu tuy vẫn nằm ở ngưỡng dưới trung bình nhưng đã có sự ổn định trở lại. Đây là điểm tích cực, phản ánh đúng thực trạng hiện nay của các doanh nghiệp, chưa thể có sự bứt phá mạnh mẽ nhưng đã ổn định trở lại.

Tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam 2024, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết: Về đầu tư hơn 60% doanh nghiệp đánh giá tích cực và cho rằng Việt Nam nằm trong top 10 điểm đến về đầu tư trên toàn cầu của các doanh nghiệp châu Âu. 17% trong số đó đánh giá Việt Nam là điểm đến ưu tiên hàng đầu. Không chỉ các doanh nghiệp, Liên minh châu Âu cũng đánh giá tích cực và quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Về các tiêu chí và ưu tiên của doanh nghiệp châu Âu khi quyết định đầu tư, quan tâm hàng đầu là thể chế và thủ tục hành chính, tiếp đến là các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… Các ưu đãi thuế gần như là quan tâm cuối cùng.

“Trong những năm qua, đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu sang Việt Nam khá đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực ở các ngành nghề khác nhau. Chúng tôi đánh giá xu hướng đầu tư sẽ duy trì tích cực trong tương lai gần là sản xuất và xuất khẩu để tận dụng Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các thị trường lớn, trong đó có EU và đa dạng hoá chuỗi cung ứng”, ông Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh.

Đại diện EuroCham tại Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư châu Âu có nhiều thế mạnh trong một số lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm thu hút đầu tư. Chẳng hạn như một lĩnh vực được đề cập nhiều là năng lượng. Cần nhìn nhận việc đầu tư vào năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo không phải là đầu tư đơn thuần mà chính là lời giải cho bài toán thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác và đáp ứng yêu cầu tuân thủ tiêu chí mới phục vụ cho xuất khẩu ra thị trường lớn. Trong năng lượng, doanh nghiệp châu Âu có thế mạnh như điện gió ngoài khơi.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường giao thông, sân bay, cảng biển, logistic cũng là lợi thế của doanh nghiệp châu Âu. Đây cũng là lĩnh vực các nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nữa những hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, đến nay vẫn còn những rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Bảo Thoa