Hà Nội có thêm điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại quận Ba Đình Nhân rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm OCOP Phát triển bưởi Diễn gắn với thương hiệu OCOP

Báo cáo của Bộ Công Thương vừa công bố cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP. Những con số này phần nào khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Là một doanh nghiệp lớn đến từ Thái Lan, Tập đoàn bán lẻ lớn Central Retail vừa công bố khoản đầu tư trị giá 50 tỷ baht (khảng 1,45 tỷ USD) vào Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027. Lý giải nguyên nhân khiến Central Retail đổ tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam, đại diện Central Retail Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2023 - 2024 sẽ tăng trưởng từ 6,7 - 7,2%. Trong khi Thái Lan chỉ tăng 3,5%/năm.

Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Vì vậy, Central Retail đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng, lên con số 600 tại Việt Nam và có mặt tại 57/63 tỉnh thành với tổng diện tích sàn dự kiến ​​đạt 2 triệu m2.

Ngành bán lẻ Việt Nam: “Cuộc đua” khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài

Doanh nghiệp Việt cần nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng để giữ vững thị phần trong nước. (Ảnh: Đ.Đ)

Cùng với Tập đoàn Central Retail, một nhà bán lẻ khác cũng đến từ Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam gần đây cũng đã mở rộng thị trường tại Việt Nam, khi khai trương kho cung ứng thứ 5 tại Sa Pa (Lào Cai).

Theo Tổng Giám đốc điều hành của MM Mega Market Việt Nam Bruno Jousselin, những năm gần đây, MM Mega Market Việt Nam liên tục mở rộng các trạm trung chuyển hàng hóa, các kho cung ứng thực phẩm từ Nam ra Bắc. Chiến lược này nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng nguồn cung ứng cho khách hàng và mở rộng cả mảng xuất khẩu hàng hóa ra khu vực.

Không chỉ có các doanh nghiệp Thái Lan mới đẩy mạnh đầu tư, mà nhiều kênh bán lẻ khác cũng dự kiến tăng đầu tư vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Cụ thể, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3 - 4 dự án tại Hà Nội…

Có thể thấy, việc các nhà bán lẻ nước ngoài đổ vốn vào thị trường Việt Nam thời gian qua đã gây sức ép nhất định đến miếng bánh thị phần của doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Điều này cũng thôi thúc các doanh nghiệp Việt tìm hướng đi để cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.

Theo các chuyên gia bán lẻ, mặc dù doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam nhưng doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội mở rộng thị phần nếu biết năm bắt thói quen, tâm lý và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Việt.

Số liệu từ Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, bộ mặt của ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Mở đầu cho sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt với nhau là “mối nhân duyên” giữa 2 tập đoàn Masan Group và Vingroup để trở thành 1 tập đoàn sản xuất và bán lẻ lớn của Việt Nam.

Hệ thống cửa hàng bán lẻ Win Mart của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan gần như không có đối thủ trong phân khúc hệ thống cửa hàng bán lẻ tại khu dân cư.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, doanh nghiệp Việt đã vươn lên để mở rộng thị phần bán lẻ. Cụ thể, năm 2018, Saigon Co.op đã mua lại toàn bộ hệ thống mạng lưới của Auchan trước khi họ rút lui khỏi thị trường Việt Nam…

Mặc dù hệ thống bán lẻ Việt Nam đang chiếm thị phần bán lẻ truyền thống, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn khuyến cáo, doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng với nhà bán lẻ trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, bởi họ rất hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt và sẽ có nhiều “mánh” để thu hút người tiêu dùng nội địa.

Vì thế, doanh nghiệp Việt cần phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm… qua đó có thể giữ vững được thị phần và không bị đối thủ ngoại lấn sân.