Lừa đảo trực tuyến chuyển hướng sang sử dụng nền tảng nhắn tin miễn phí Telegram Mạo danh ngân hàng lừa người dùng rút tiền thẻ tín dụng lãi suất thấp để lừa đảo Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trực tuyến hiện giờ

Muôn dạng cuộc gọi rác làm phiền, dọa dẫm

Theo phía cơ quan chức năng, trong giai đoạn vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng ưu điểm của dịch vụ viễn thông, phát tán cuộc gọi rác (gọi điện thoại quảng cáo, bán hàng (telesales) mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng,..) gây phiền nhiễu.

Đây là vấn nạn toàn cầu, không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh các cuộc gọi rác làm phiền, thời gian gần đây còn xuất hiện các cuộc gọi rác mang tính chất dọa dẫm các hình thức lừa đảo qua cuộc gọi càng ngày càng tinh vi hơn khiến không ít người dùng đã bị mắc bẫy.

Đối phó thế nào với những cuộc gọi rác làm phiền?
Ảnh minh họa

Từ khi lấy số điện thoại của mình để giao dịch mua nhà, mỗi ngày, chị T.N (Cầu Giấy) nhận không dưới 5-7 cuộc gọi chỉ để trả lời câu hỏi, nhà chị có bán hoặc cho thuê không. Ban đầu thì kiên nhẫn trả lời, nhưng sau đó, chỉ cần nhìn dãy số không xác định danh tính được gọi đến, chị T.N hiểu rằng, chắc chắn đây là cuộc gọi rác.

Theo thông tin được cung cấp từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Trung tâm VNCERT/CC), qua theo dõi trên hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (qua đầu số 5656), Trung tâm đã ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về việc nhận được tin nhắn, cuộc gọi giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng lưu ý cuộc gọi giả danh ngày càng tinh vi và sẵn sàng sử dụng video call để tạo lòng tin với khách hàng.

Mới đây nhất, chị N.B (ngụ tại Hà Nội) cho biết đã bị một nhóm người giả danh công an lừa đảo gọi tự xưng là Dương Gia Bảo - số hiệu 338279 - đơn vị công tác: Cục quản lý GT đường bộ số 3. Đối tượng đã đọc đúng thông tin cá nhân của chị B gồm: số chứng minh thư nhân dân, ngày, tháng, năm sinh và thông báo vào ngày 23/7 chị B có mặt ở thành phố Đà Nẵng liên quan tới một vụ tai nạn giao thông. Song chị B khẳng định bản thân không hề có mặt ở Đà Nẵng vào ngày 23/7 vì chị đang ở Hà Nội.

Đối tượng thông báo có thể chị đã bị lợi dụng thông tin cá nhân để thuê xe. Yêu cầu chị B vào Đà Nẵng tới cơ quan công an để phối hợp điều tra. Nếu không vào được, đối tượng sẽ giúp làm hồ sơ báo án online (ghi thông tin số hóa đơn, ngày xe gây tay nạn, số hiệu đăng ký xe, đơn vị cho thuê xe…) bằng cách gọi video và cuộc gọi ghi âm xác thực. Họ yêu cầu chị khai báo thông tin cá nhân cũng như tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, chị phải tự chứng minh không có ai ở bên cạnh bằng cách gọi video, còn phía họ chỉ để lộ phần ngực với chiếc áo quân phục của ngành Công an.

Sau khi chắc chắn chị B ở nhà một mình, Dương Gia Bảo thông báo một tài khoản ngân hàng BIDV được lập từ mã số căn cước công dân của chị liên quan đến một đối tượng buôn bán ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản mấy chục tỉ đồng. Vì chị B có liên quan nên sẽ có lệnh triệu tập bắt tạm giam. Lúc này bản thân chị B đã rất hoang mang vì nghĩ bản thân mình bị rò rỉ thông tin cá nhân nên đã bị tội phạm cao sử dụng.

Trong quá trình nói chuyện, nhóm đối tượng xấu luôn yêu cầu chị B phải luôn giữ bí mật, không được tiết lộ người thân để đảm bảo không rò rỉ thông tin “mật” nếu không chị sẽ bị phạt tù 3-5 năm. Không dừng ở đó, đối tượng bắt đầu tra hỏi chị B những câu như: dùng những tài khoản nào, lần giao dịch tiền nhiều mất là bao nhiêu, trong tài khoản còn bao nhiêu tiền… Bỗng nhiên nhận thấy điểm bất thường, chị B nói sẽ đến trực tiếp cơ quan Công an thành phố Đà Nẵng để làm rõ vấn đề. Đến lúc này, đối tượng xấu đã giả vờ mạng yếu rồi tắt máy.

Người dùng phải làm gì để không bị làm phiền từ các cuộc gọi rác?

Mới đây, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.

Tại buổi ký kết, các nhà mạng đã cam kết ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác, đảm bảo quyền lợi khách hàng, người sử dụng, tạo tiền đề cho việc phát triển các dịch vụ mới, không gian mới của lĩnh vực trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số của Việt Nam.

Bộ TT&TT sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác, phải làm sạch thông tin thuê bao để tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể bắt người dân chịu gánh nặng này.

Với người dùng sử dụng dịch vụ di động, khi nhận được tin nhắn khảo sát của nhà mạng về cuộc gọi rác (được gửi tới dưới dạng tin nhắn nhanh - Flash SMS ngay sau các cuộc gọi có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác) người dùng có thể chủ động phối hợp trả lời (chọn phương án trả lời “Có” hoặc “Không”) để giúp các nhà mạng sàng lọc, xử lý chính xác các cuộc gọi vi phạm cũng như giúp cơ quan quản lý có thông tin để đưa ra chế tài quản lý phù hợp. Mỗi người dân chỉ cần dành ra 3-5 giây gửi phản ánh khi có cuộc gọi rác thì vấn nạn cuộc gọi rác sẽ được xử lý triệt để.

Bên cạnh đó, người dân cũng có thể phản ánh qua cổng tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác của người sử dụng, thông qua đầu số tin nhắn 5656 và cổng thông tin https://thongbaorac.ais.gov.vn/ của Cục ATTT.

Với những cuộc gọi lừa đảo, giả danh, để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, người dùng cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng.

Ngay sau khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo và không thể liên lạc lại được với đối tượng lừa đảo, bị hại/người bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi mình cư trú (Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an…) để được giải quyết kịp thời.

Hướng dẫn phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn SMS

Thuê bao có thể phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác bằng cách thực hiện soạn tin nhắn theo cú pháp gửi tới đầu số 5656. Tất cả các tin nhắn gửi tới đầu số 5656 đều miễn phí.

- Cú pháp phản ánh cuộc gọi rác:

V [nguồn phát tán][nội dung cuộc gọi rác] gửi 5656

Hoặc V (nguồn phát tán)(nội dung cuộc gọi rác) gửi 5656

Ví dụ V (0985931054)(Cuộc gọi quảng cáo giới thiệu sản phẩm dịch vụ bất động sản của công y A) gửi 5656

- Cú pháp phản ánh tin nhắn rác:

S [nguồn phát tán][nội dung sms rác] gửi 5656

Hoặc S (nguồn phát tán)(nội dung sms rác) gửi 5656

Ví dụ: S (0985931054)(E Nhan lam cac Loai Giay Phep Laj Xe: May',0t0 + Giay To nhà dat,CMT + Bäng Cäp3, CaøDang, Däi H0c, Sø Hong, Sø D0 vv. ThänhT0an Khi NhanHang. GOl: ) gửi 5656

Hướng dẫn phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua website

Truy cập website https://thongbaorac.ais.gov.vn

- Bước 1: Nhập số điện thoại nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi rác

- Bước 2: Nhập nguồn phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác (Thuê bao, Đầu số hoặc Brandname gửi tin)

- Bước 3: Nhập nội dung tin nhắn rác, cuộc gọi rác

- Bước 4: Upload bằng chứng là ảnh chụp màn hình tin nhắn rác hoặc file ghi âm cuộc gọi rác

- Bước 5: Nhấn nút Phản ánh để nhận mã OTP

- Bước 6: Nhập mã OTP bạn đã nhận được

- Bước 7: Nhấn nút Hoàn thành

Theo Phạm Lê/vnmedia.vn

https://vnmedia.vn/cong-nghe/202209/doi-pho-the-nao-voi-nhung-cuoc-goi-rac-lam-phien-6430615/