Dòng vốn vào thị trường bất động sản giảm mạnh
Thông tin tại Hội thảo cho biết, tăng trưởng tín dụng, trong đó có dòng vốn vào thị trường bất động sản đã giảm mạnh và chưa có dấu hiệu hồi phục khi quý 1/2023 chỉ đạt 1,6%. Bên cạnh đó, áp lực đáo hạn trái phiếu còn rất lớn, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2023 được ước tính ở mức 235.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn khoảng 100.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản thời gian vừa qua có sự tác động lớn nhất của những vướng mắc pháp lý, chiếm đến 70% khó khăn của các dự án. Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, chỉ riêng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 400 dự án gặp các vướng mắc về thủ tục triển khai dự án. Nhưng, thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thực tế con số này là khoảng 1.000 dự án. Những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
Thị trường bất động sản đang gặp những thách thức lớn, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền. (Ảnh minh họa) |
Các chuyên gia nhận xét, trong 1 tháng vừa qua, đã có 4 chính sách mới có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường bất động sản đã được ban hành. Cụ thể là: Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản; Nghị định 08/2023/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030; Nghị định số 10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai.
Về các giải pháp cho thị trường bất động sản trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, trước hết, các cơ quan quản lý cần thực hiện sớm các chính sách vừa được ban hành, nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật liên quan; có quy định rõ ràng hơn trong phân nhóm các phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn và tài chính phù hợp; có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt như: Quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ phát triển nhà ở xã hội, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, cơ quan tái tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản về lâu dài; có lộ trình đánh thuế bất động sản phù hợp; thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch bất động sản.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất, trong khi tái cấu trúc thị trường bất động sản, việc ưu tiên vốn tín dụng ngân hàng để phục hồi và phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội là quan trọng nhất, tạo ra một tái cấu trúc phân khúc quyết định nhất.
Về phía quản lý nhà nước, chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch đất đai liên quan đến thị trường bất động sản và giải quyết dứt điểm, nhanh chóng các vấn đề thủ tục cho các dự án, như việc định giá đền bù giải phóng mặt bằng; định giá thuế quyền sử dụng đất; đấu thầu… để các dự án nhanh chóng được khởi công xây dựng.
Các chuyên gia đều đồng thuận quan điểm, khi nguồn cung dồi dào, cơ cấu sản phẩm hài hòa thì thị trường bất động sản sẽ phát triển lành mạnh, bền vững. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, để tránh hoang mang và khiến tình hình trở nên xấu hơn.
Bình luận